Mì gói là món ăn quen thuộc đến nỗi chúng ta có thể ăn nó vào bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hay bất cứ lúc nào bạn cảm thấy thèm. Thị trường mì gói cũng ngày một đa dạng với các hương vị, cách chế biến khác nhau.
Quen thuộc là thế nhưng chưa chắc bạn đã biết hết những sự thật thú vị như thế này về mì gói.
Quê hương của mì gói ở đâu?
Có bao giờ bạn tự hỏi đâu là quốc gia đầu tiên phát minh ra món mì gói và nó được tạo ra như thế nào? Nếu có thì đây là câu trả lời cho bạn: Nhật Bản là "cha đẻ" của món ăn này. Theo đó, việc mì gói ra đời xuất phát từ bối cảnh lịch sử của quốc gia này.
Vào năm 1958, người Nhật sống chủ yếu dựa vào bánh mì trợ cấp. Để giúp cho mọi người có một loại thực phẩm tiện ích mà không phụ thuộc vào nước ngoài, ông Momofuku Ando đã phát minh ra món mì ăn liền.
Vậy gói mì đầu tiên có giá bao nhiêu?
Vì là một loại thực phẩm mới nên mì gói được xem là một loại "xa xỉ phẩm". Vào năm 1958, chúng được bán với giá khoảng 35 yên, tương đương giá 6 bát mì Udon bây giờ. Thời đó, ai mà ăn mì ăn liền thì có mức sống rất là sang chảnh đấy.
Quốc gia nào tiêu thụ mì nhiều nhất thế giới?
Mặc dù Nhật Bản là nơi sinh ra mì ăn liền nhưng Trung Quốc mới là nơi tiêu thụ món ăn này nhiều nhất thế giới. Theo thông tin từ Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất vào năm 2020.
Bạn có tò mò Việt Nam đứng thứ mấy không? Bật mí luôn cho bạn là nước ta đứng hạng 3 chung cuộc cơ đấy.
Có hẳn một bảo tàng về mì gói, bạn tin không?
Trên đời này chẳng có gì là không thể, vậy nên bảo tàng mì gói là hoàn toàn có thật và nó nằm ở Nhật Bản - quê hương của món ăn này. Đến đây, bạn có thể tham quan những hiện vật liên quan đến lịch sử của sự phát triển các ngành công nghiệp chế biến mì cốc ăn liền. Nếu có hứng thú, hãy đến Ikeda (Osaka, Nhật Bản) để khám phá nhé.
Bình luận