Theo Sina, kinh doanh là nghề tay trái mà không ít nghệ sĩ Trung Quốc lựa chọn. Nhờ danh tiếng trong nghệ thuật, các sản phẩm của họ thường được được khách hàng tin dùng.
Tuy nhiên, khi việc kinh doanh thất bại hoặc xảy ra những rắc rối, nghệ sĩ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, các ngôi sao không trực tiếp kinh doanh nhưng nhận quảng cáo cho các thương hiệu sản phẩm thiếu uy tín nên vẫn bị rơi vào tai tiếng lừa đảo.
Lý Nhược Đồng nối tiếp danh sách "nghệ sĩ lừa đảo"
Theo 163, mới đây, Lý Nhược Đồng vướng vào bê bối lừa đảo tiền đầu tư. Thực tế, nữ diễn viên bị lợi dụng hình ảnh. Một nhà hàng lẩu đã sử dụng hình ảnh của Lý Nhược Đồng để kêu gọi đầu tư.
Họ khẳng định đây là cơ sở kinh doanh của ngôi sao Thần điêu đại hiệp, Lý Nhược Đồng không chỉ là người quảng cáo, còn là chủ sở hữu của quán lẩu trên.
Sau đó, quán lẩu được nhượng quyền sở hữu lên tới hàng trăm nghìn NDT. Khi người chủ mới hoàn tất thủ tục mới phát hiện Lý Nhược Đồng không liên quan tới quán lẩu. Tuy nhiên, tên tuổi của Lý Nhược Đồng cũng bị nhắc đến trong một sự kiện lừa đảo không hay.
Nếu như Lý Nhược Đồng bị tai bay vạ gió, thì tài tử Trịnh Khải thực sự là chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng lẩu Hỏa Phụng Tường.
Trịnh Khải và Lý Nhược đồng bị tố lừa đảo nhà đầu tư. (Ảnh: Sina) |
Ngày 13/11, một số người đã kéo đến cửa hàng Hỏa Phụng Tường tại Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc, giăng biểu ngữ, tố cáo Trịnh Khải lừa bịp, bán tháo cổ phiếu, không trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Thêm vào đó, hồi tháng 8, quán lẩu của Trịnh Khải còn bị cáo buộc sử dụng nguyên liệu hỏng để chế biến, vi phạm những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cục giám sát thị trường đã tiến hành điều tra, công ty cung cấp nguyên liệu và Hỏa Phụng Tường đều bị phạt cảnh cáo. Nhà hàng cũng bị yêu cầu dừng kinh doanh các dịch vụ mua bán trực tuyến.
Phía Trịnh Khải im lặng trước những cáo buộc của công chúng. Do đó, danh tiếng của tài tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tháng 9, MC Lý Duy Gia của show Happy Camp bị một nhóm người đến trước cổng đài truyền hình Hồ Nam để chỉ trích. Theo đó, họ mặc áo có chữ "Lý Duy Gia thất đức" và chỉ trích vì anh làm đại diện một thương hiệu trà sữa. Thương hiệu này đã nhận vốn đầu tư của khách hàng, sau đó bỏ trốn. Là người đại diện, khán giả cho rằng Lý Duy Gia phải chịu một phần trách nhiệm.
Tháng 7/2020, MC hàng đầu của Trung Quốc Uông Hàm vướng vào một vụ tranh cãi, do app quản lý tài sản mà anh làm người đại diện đã lừa 370.000 người với số tiền lên tới 230 tỷ NDT.
Khi sự việc xảy ra, nhiều người bị hại đã yêu cầu Uông Hàm phải chịu trách nhiệm hoàn tiền cho họ. Thậm chí, có những người muốn nam MC bị bắt để điều tra. Họ cho rằng chính sự tin tưởng vào uy tín của Uông Hàm là nguyên nhân thúc đẩy họ sử dụng app này. Uông Hàm nhận hàng triệu NDT để làm người đại diện sản phẩm thì nên chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề.
Sau đó, Uông Hàm cho biết đã dừng việc hợp tác với app quản lý tài sản từ lâu. Tuy nhiên, nam MC vẫn phối hợp với cảnh sát để điều tra vụ việc. Scandal khiến danh tiếng của Uông Hàm bị ảnh hưởng. Đây có thể coi scandal lớn nhất trong sự nghiệp của nam nghệ sĩ.
Hệ quả nặng nề
Theo Sina, những vụ án lừa đảo tiền đầu tư bằng cách dựa trên uy tín, hình ảnh của người nổi tiếng, đang là vấn đề nổi cộm tại Trung Quốc trong hai năm qua. Sức ảnh hưởng của mỗi vụ lựa đảo có thể lên tới hàng triệu USD.
Ngày 15/5, Sina đưa tin thương hiệu trà sữa do Mã Y Lợi làm người đại diện bị Cục Kinh tế Thượng Hải điều tra hành vi lừa đảo. Theo bản án của cơ quan chức năng, công ty này đã lập trang web giả, làm giả giấy ủy quyền, thuê người dàn cảnh để thu hút sự chú ý và lôi kéo nhà đầu tư.
Tiến hành triệt phá băng nhóm lừa đảo này, Đội Kinh tế Thượng Hải bắt giữ hơn 90 nghi phạm với tổng số tiền tang vật thu được là 108 triệu USD. Do Mã Y Lợi là người phát ngôn, đại diện thương hiệu, cô cũng trở thành một trong những đối tượng bị điều tra.
Trên QQ, một khách hàng họ Châu ở Thượng Hải cho biết ông đã bỏ gần 60.000 USD để đầu tư vào thương hiệu, nhưng sau đó mất sạch. Theo ông Châu, nhãn hiệu đã dùng hình ảnh của Mã Y Lợi tạo dựng lòng tin, hứa hẹn trả tỷ suất lợi nhuận hàng năm là 8%.
Các vụ lừa đảo bằng danh tiếng nghệ sĩ có thể thiệt hại hàng triệu USD. (Ảnh: Sina) |
Trong vụ việc app quản lý tài sản sử dụng hình ảnh của MC Uông Hàm có hành vi lừa đảo, có tới 370.000 khách hàng là nạn nhân. Số tiền thiệt hại lên đến 3,5 tỷ USD.
Tài tử Trịnh Khải từng đại diện một thương hiệu trà sữa bị tố lừa đảo, với số nạn nhân là 700 người, thiệt hàng hàng trăm triệu NDT.
Thống kê của Cục công an thành phố Thượng Hải cho biết đường dây tội phạm lừa đảo trong ngành quảng cáo ở Trung Quốc tăng gấp 2 kể từ năm 2018. Số tiền tang chứng thu giữ được trong các vụ việc luôn vượt mức 15 triệu USD với hàng nghìn nạn nhân.
Theo Sohu, khi có scandal liên quan tới thương hiệu, các ngôi sao thường đưa ra lời xin lỗi, song, tai tiếng này là vết nhơ khó bỏ trong lý lịch nghệ sĩ.
Sohu bình luận các ngôi sao nhận mức cát-xê cao nhờ hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, họ ít khi tìm hiểu về sản phẩm, hành động này là thiếu trách nhiệm. Sự tắc trách này khiến họ rơi vào danh tiếng "nghệ sĩ lừa đảo".
Khi có nhiều vụ lừa đảo dựa trên danh tiếng của nghệ sĩ, các luật sư Trung Quốc khẳng định theo Luật quảng cáo của Trung Quốc, đối với các hành vi sai trái, người đại diện quảng cáo bị xử phạt hành chính, đồng thời không được nhận quảng cáo trong vòng 3 năm. Người đại diện nhãn hàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm nếu sản phẩm quảng cáo xảy ra vấn đề.
"Nghệ sĩ cần phải hiểu rõ vai trò của mình trong việc giới thiệu sản phẩm đến công chúng. Họ phải tìm hiểu kỹ thông tin, chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Không thể vì tiền mà nhắm mắt quảng cáo cho thương hiệu không đáng tin cậy, thậm chí lừa đảo. Người nổi tiếng có hành vi nói trên cần bị lên án và nhận hình phạt thích đáng để răn đe", nhà xã hội học Vương Mặc Linh nói trên Tân Hoa Xã.
Bình luận