• Zalo

Ho dai dẳng hậu COVID-19, đối phó thế nào?

Covid-19Thứ Ba, 22/03/2022 14:27:03 +07:00Google News
(VTC News) -

BS Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 hướng dẫn cách giảm ho dai dẳng sau khi mắc COVID-19.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết, triệu chứng ho gặp ở hầu hết bệnh nhân COVID-19. Ho là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây viêm hô hấp và có tác dụng tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Thông thường, những trường hợp có triệu chứng đau rát họng, ho nhiều nhưng chỉ số SpO2 trên 95%, người bệnh vẫn ăn uống tốt thì không đáng ngại, chỉ cần theo dõi tại nhà.

Ho dai dẳng hậu COVID-19, đối phó thế nào? - 1

BS Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cơ sở 3.

Để giảm các cơn ho, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như sau:

- Khi ngủ bạn nên gối cao đầu hơn để tránh tình trạng dịch nhày dồn về phía cổ họng gây kích ứng cơn ho hoặc giảm axit trong dạ dày trào ngược lên vùng phổi, họng gây ho.

- Súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% từ 2-3lần/ngày.

- Pha mật ong với nước ấm để uống từng ngụm nhỏ vào buổi sáng và tối.

Đồng thời, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc trị ho đơn giản, dễ áp dụng từ thảo dược như: pha trà từ quả la hán để uống; dùng quả lê hoặc hoa hồng bạch với đường phèn; hấp với mật ong và trái tắc (quả quất) để ngậm. Hoặc bạn có thể lấy lá cúc tần, rửa sạch, giã nát cùng với một chút muối rồi lọc lấy nước để ngậm.

Ho dai dẳng hậu COVID-19, đối phó thế nào? - 2

Lê hấp đường phèn là một trong những bài thuốc trị ho hiệu quả.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết thêm, với những người mà cơn ho chỉ xuất hiện về đêm và sáng sớm thì có thể là do phong hàn. Vì vậy, người bệnh nên chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ như là dùng khăn quàng cổ khi ngủ, tránh để điều hòa lạnh. Bệnh nhân không nên bôi dầu gió vào vùng cổ ngực bởi tinh dầu rất dễ gây bỏng da và làm lu mờ các triệu chứng của bệnh.

Những trường hợp ho nhiều khiến người bệnh mệt, ăn không ngon, mất ngủ thì cần hỗ trợ điều trị bằng các thuốc trị ho có nguồn gốc thảo dược hoặc thuốc tây y. Tuy nhiên, tuỳ vào từng kiểu ho để có cách xử lý phù hợp. Nếu người bệnh chỉ ho khan thì sử dụng các thuốc trị ho để cắt cơn. Ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho, mà nên dùng thuốc long đờm hoặc uống những loại thuốc ho thảo dược, có tinh dầu để sát khuẩn đường hô hấp và tống thải đờm ra ngoài.

Bệnh nhân không nên tự ý dùng các thuốc chống dị ứng để trị ho. “Thuốc chống dị ứng cần được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng cũng như theo dõi các tác dụng không mong muốn. Do đó, bệnh nhân không nên dùng các thuốc này để trị ho tại nhà” – BS Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo.

BS Huỳnh Tấn Vũ cũng lưu ý, nếu tần suất cơn ho tăng lên, ho có đờm vàng, đờm đặc, ho kèm sốt kéo dài, chỉ số SPO2 giảm dưới 95%, bệnh nhân thở nhanh, khó thở, hốt hoảng về tinh thần thì có thể là tình trạng bệnh lý về phổi. Những trường hợp này cần đến cơ sở y tế để thăm khám, tránh nguy cơ bệnh trở nặng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ánh Tuyết/VOV2
Bình luận
vtcnews.vn