BSCKII Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, chuyên khoa Nội chia sẻ, sau điều trị khoảng vài tuần, phần lớn những người mắc COVID-19 đều hồi phục trở lại. Tuy nhiên một số khác lại gặp phải hội chứng sau COVID với hàng loạt vấn đề liên quan sức khỏe.
Theo định nghĩa đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới (tháng 10/2021), hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm virus SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19, với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Điều đó khiến sức khỏe, tinh thần người bệnh suy kiệt, ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống thường ngày. Các chuyên gia trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu về cơ chế, tác động của COVID-19 đến sức khỏe con người. WHO ước tính 10 - 20% bệnh nhân mắc COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
Cách nhận biết cơ thể bị hậu COVID
BSCKII Nguyễn Anh Tuấn cho hay, thông thường mỗi người sẽ xuất hiện triệu chứng sau COVID-19 với mức độ tiến triển khác nhau. Các triệu chứng liên quan có thể xảy ra cùng lúc hoặc trong khoảng thời gian khác nhau. Do tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, gây triệu chứng ở nhiều cơ quan, điển hình như:
- Mệt mỏi, đau đầu, ho dai dẳng không khỏi.
- Chân tay yếu, không còn sức lực như trước, nhiều người còn bị đau cơ, đau khớp.
- Tóc rụng, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung.
- Hay lo lắng, tâm trạng thay đổi thất thường dễ rơi vào trầm cảm.
- Giấc ngủ bị rối loạn, thức giấc giữa đêm, khó ngủ lại được.
- Tim đập nhanh, đau tức ngực, khó thở hay bị hụt hơi khi leo cầu thang, vận động.
- Ăn không ngon, xuất hiện tình trạng tiêu chảy.
Ngoài ra, nhiều người sau điều trị còn gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết, rối loạn huyết học,… Đặc biệt ở những người bị tiểu đường, viêm phổi, tim mạch,… thì triệu chứng hậu COVID-19 càng khiến cơ thể họ bị tổn thương, bệnh từ đó mà trở nặng.
Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng, khi thực hiện thăm khám bác sĩ còn phát hiện ra các triệu chứng cận lâm sàng khác như: cầu thận giảm khả năng lọc, dung tích phổi hạn chế, xơ phổi, giãn phế quản trên khi chụp CT-scanner phổi…
Nên làm gì để giảm thiểu?
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho rằng, tùy theo triệu chứng và mức độ gặp phải mà mỗi người sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Bệnh đó, người bệnh cũng nên tập trung vào việc nâng cao hệ miễn dịch, phục hồi sức khỏe để đưa cuộc sống trở lại bình thường bằng những cách sau:
Ăn uống đầy đủ
Để cung cấp năng lượng cho các tế bào miễn dịch hoạt động, bạn nên ăn uống đầy đủ chất. Đặc biệt, bạn nên chú trọng đến ba nhóm thực phẩm giàu đạm, chất béo và vitamin.
Tốt nhất bạn nên ăn nhiều rau xanh đậm, trái cây tươi có màu đỏ, vàng để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Ngoài việc tăng sức đề kháng, chúng còn giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tốt hơn, đồng thời hạn chế hấp thu lượng Cholesterol xấu dư thừa.
Không chỉ vậy, bạn cũng nên phối hợp các thực phẩm giàu protein, acid amin thiết yếu phục vụ cho các hoạt động duy trì của cơ thể. Để tăng cảm giác ngon miệng và tránh gây khó tiêu, bạn nên đa dạng cách chế biến món ăn như: hầm mềm, nấu kỹ, thái nhỏ,…
Uống nhiều nước
Trong quá trình mắc bệnh, các triệu chứng như: sốt, nhiễm trùng, tiêu chảy,… khiến cơ thể bạn mất nhiều nước và điện giải. Để bù lại lượng đã mất, bạn nên tăng cường uống nhiều nước mỗi ngày.
Tùy theo sở thích mà bạn có thể lựa chọn nước ép, sinh tố làm từ trái cây như: cam, chanh, bưởi, rau má,… Những thức uống này sẽ cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa cho cơ thể.
Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế uống các loại nước có gas, bia rượu hay các sản phẩm có chứa chất kích thích.
Tập thở
Tập thở là những bài tập quan trọng giúp bạn phục hồi chức năng phổi, giảm tình trạng khó thở sau COVID-19. Trước khi tập luyện, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về động tác, tần suất phù hợp để mang lại hiệu quả. Hiện nay hít thở sâu, thở cơ hoành, ngáp cười,… là những bài tập được áp dụng phổ biến cho những F0 khỏi bệnh.
Ngoài ra, bạn cũng nên tập thêm các động tác giãn cơ vai, cơ cánh tay, cơ đùi,… Bởi vì những động tác này đều có tác dụng thư giãn nhóm cơ, từ đó giảm thiểu triệu chứng đau cơ, mệt mỏi.
Thăm khám bác sĩ
Để hạn chế những hội chứng sau COVID-19, bạn nên chăm sóc bản thân ngay từ khi mắc bệnh. Nếu triệu chứng vẫn kéo dài và ngày càng trở nặng, bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ và thực hiện biện pháp đánh giá tổn thương một cách toàn diện.
Sau khi nắm được tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ hướng dẫn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bạn. Hiện nay, điều trị hậu COVID thực chất là điều trị triệu chứng và chăm sóc phục hồi sức khỏe.
Để phòng ngừa hội chứng sau COVID-19, cách tốt nhất mà bạn có thể làm là giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng tiêm vaccine, tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Với số người mắc bệnh ngày càng tăng cao như hiện nay, bạn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như: sốt, ho, nghẹt mũi,… bạn nên theo dõi sức khỏe và cách ly với những người trong gia đình.
Bình luận