PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Phó Giám đốc BV điều trị COVID-19, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, hiện nay, chủng virus gây bệnh vẫn là Omicron với đặc điểm lây lan rất nhanh. Nhờ thành quả của các chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trước đây, hiện nay, đa số các ca nhiễm đều có biểu hiện nhẹ và có thể tự cách ly, điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, bệnh nhân bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường và bệnh lý về thần kinh mạn tính…phải dùng thuốc điều trị thường xuyên, nếu mắc COVID-19 thì vẫn có nguy cơ gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, nhưng mắc COVID-19, bệnh nền có thể diễn tiến nặng lên và khó kiểm soát. Nhiễm nCoV, người bệnh có thể bị sốt. Sốt làm nhịp tim tăng lên gây nguy hiểm đối với người bị suy tim. Sốt cũng khiến cơ thể mất nước và làm cho tình trạng suy thận nặng hơn đối với bệnh nhân mắc bệnh thận.
Khi nhiễm SARS-CoV-2, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ bị suy yếu hơn. Đây là cơ hội để các vi khuẩn vốn cư trú trong cơ thể bệnh nhân trỗi dậy và “tổng tấn công” dẫn đến các bệnh lý như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiết niệu. Đó là nguyên nhân khiến các bệnh nền đang được điều trị ổn định bỗng trở thành đợt cấp tính.
PGS-TS Hoàng Bùi Hải hướng dẫn, bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính ổn định, khi nhiễm COVID-19, nếu điều trị tại nhà thì cần tiếp tục sử dụng thuốc kiểm soát bệnh nền tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, bỏ thuốc hoặc tự tăng/giảm liều thuốc.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, thuốc chống viêm, thuốc kháng virus…song cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
“Khi người bệnh dùng kết hợp nhiều loại thuốc với nhau có thể xảy ra tình trạng tương tác thuốc, làm mất hoặc tăng tác dụng của thuốc. Ví dụ corticoid có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông hoặc dẫn đến bệnh lý viêm dạ dày. Hay thuốc lợi tiểu có thể làm tăng cơn gout. Hoặc trong điều kiện bình thường thì bệnh nhân dùng các thuốc điều trị bệnh lý mạn tính với một liều lượng nhất định.
Khi gặp các điều kiện bất lợi như nhiễm COVID-19 thì có thể cần tăng liều hoặc giảm liều. Do đó, nếu cần dùng thêm thuốc thì bắt buộc phải có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt thuốc kháng virus Molnupiravir chống chỉ định cho bệnh nhân suy thận. Nếu chúng ta tự ý dùng thì rất nguy hiểm”, PGS-TS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.
Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, khi mắc COVID-19 cần được theo dõi sát các thông số như: khả năng nhận thức, các dấu hiệu về hô hấp, nhịp thở, chỉ số huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt, tình trạng tiêu hóa
Thấy người bệnh có các dấu hiệu như lơ mơ, chậm chạp, tiếp xúc kém, thở nhanh, khó thở, tức ngực, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, đại tiểu tiện không bình thường, sốt cao liên tục... người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ và nhân viên y tế theo dõi chuyên sâu và chăm sóc, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh việc điều trị, quản lý và theo dõi sức khỏe, người mắc bệnh lý mạn tính khi nhiễm COVID-19 cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, vận động thể lực đều đặn để nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật và phục hồi sức khỏe.
Bình luận