Giá vé đường sắt trên cao, tàu điện ở các nước Đông Nam Á và nhiều nước châu Âu có sự khác biệt rõ ràng.
Giá vé tàu điện các nước thế nào?
Đường sắt đô thị Singapore gồm hai hệ thống tàu là MRT chạy nhanh, dùng cho các mạch giao thông chính và LRT dành cho nhu cầu di chuyển quãng ngắn. Tuy nhiên, người dân Singapore thường gọi chung hai thệ thống này là MRT.
MRT Singapore được khánh thành và vận hành tuyến đầu tiên vào năm 1987, hiện trở thành phương tiện giao thông phổ biến thứ hai ở quốc đảo sư tử, chỉ sau xe buýt. Hệ thống này đang phục vụ trên 3 tỷ lượt hành khách mỗi năm và vẫn đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng.
Giá vé MRT ở Singapore khá rẻ. Với người lớn, giá tiền sẽ phụ thuộc vào độ dài chuyến đi, rơi vào khoảng 0,42 USD-1,67 USD (9.000 đồng - 38.000 đồng).
Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, đường sắt trên cao (BTS) được người dân ưa chuộng. BTS được đưa vào sử dụng từ năm 1999. Hiện tại nó vẫn đang được kéo dài để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Việc mua vé và xếp hàng lên tàu khá đơn giản, giá vé trong khoảng từ 15 baht tới 45 baht (tương đương 10.000 - 30.000 đồng) tùy theo địa điểm đến là ga xa hay gần.
Đi vào hoạt động từ tháng 3/2019, hệ thống tàu điện MRT trị giá 3 tỷ USD được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để làm giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông trầm trọng ở thủ đô Jakarta.
Tốc độ tàu chạy là 80km/h cho đoạn chạy nổi trên mặt đất và 100km/h cho đoạn chạy ngầm. Hệ thống MRT này có thể vận chuyển tới 130.000 lượt khách mỗi ngày.
Giá vé dao động trong khoảng 3.000 rp - 14.000 rp (4.000 đồng - 22.000 đồng).
Ở Kuala Lumpur (Malaysia), có 3 tuyến đường sắt nội đô chính ở Kuala Lumpur bao gồm LRT - loại hình tàu điện với 2 tuyến chính là LRT Kelana Jaya và LRT Ampang Line. KL Monorail là loại hình tàu điện trên cao một đường ray với quãng đường 8,6 km, chạy qua 11 trạm. Tuyến còn lại là KTM Komuter, loại hình tàu hỏa kết nối các thị trấn ngoại ô thành phố.
Tuy quãng đường di chuyển khá ngắn nhưng KL Monorail được ưa chuộng nhất ở Kuala Lumpur vì kết nối tốt với các khách sạn lớn, khu dân cư đông đúc và các trung tâm thương mại, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.
Giá vé KL Monorail đao động từ 1,2-2.5 ringgit (7.000 - 14.000 đồng).
Ở Trung Quốc, tàu điện ngầm là phương tiện phổ biến ở hầu khắp các thành phố. Hệ thống tàu điện chằng chịt cũng được xem là xương sống giao thông của quốc gia tỷ dân.
Giá tàu điện ở Trung Quốc tương tự giá xe buýt, từ 0,3-0,6 USD (7.000-14.000 đồng) cho hầu hết các tuyến. Với những tuyến đường dài như ra sân bay, giá vé sẽ cao hơn, khoảng 1 USD (hơn 23.000 đồng)
Tại châu Âu, thủ đô Warszawa của Ba Lan là một trong số các thành phố sử dụng hệ thống tàu điện độc đáo - chạy giữa đường.
Giá vé có nhiều mức, tính theo phút, theo số lần, theo ngày đêm hoặc tính tháng. Tối thiểu là 3 zloty (gần 20.000 VN đồng).
Tàu điện ngầm London là hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất thế giới, có tuổi trên 100 năm. Có 6 tuyến tàu điện chính ở London và giá vé phân theo từng khu vực. Chi phí cho mỗi hành trình dao động từ 5,5-6 bảng Anh (175.000-190.000 đồng). Giá vé sẽ giảm xuống hơn một nửa nếu sử dụng thẻ Oyster.
Ở Paris (Pháp), nếu di chuyển bằng tàu điện ngầm, giá vé cho mỗi hành trình khoảng 60.000 đồng. Với các tuyến tàu chạy xuyên vùng, giá vé sẽ tùy thuộc theo từng tuyến cụ thể.
Vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông đắt hay rẻ?
Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hà Nội Metro, đơn vị khai thác vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, sau khi tiếp nhận toàn bộ từ Bộ GTVT và đưa vào khai thác thương mại, hành khách sẽ được miễn phí trong 15 ngày đầu tiên để trải nghiệm. Sau 15 ngày miễn phí, giá vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến ở mức 7.000 -15.000 đồng/vé/lượt. Trước thông tin này, nhiều người cho rằng giá vé đó chưa hợp lý.
Tuy nhiên, trả lời VTC News, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng giá vé như vậy là hoàn toàn phù hợp. Theo ông Liên, dự án Cát Linh – Hà Đông đầu tư nhiều vốn nên cần phải thu hồi lại vốn. Do đó, giá vé 7.000 -15.000 đồng/vé/lượt là vừa phải, "không đắt cũng không rẻ".
"Không thể so sánh giá vé của đường sắt so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, do mỗi nước sẽ có trình độ phát triển khác nhau, thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ khác nhau. Nếu mang ra so sánh như vậy thì rất khập khiễng. Hệ thống giao thông ở các nước trên thế giới được đầu tư rất kỹ lưỡng, từ chất lượng cho đến người phục vụ, điểm xuống có nhiều thuận lợi, hệ thống liên kết chặt chẽ", ông Liên thông tin.
Cùng ý kiến với ông Liên, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bình luận: "Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông giao động từ 7.000 -15.000 đồng/vé/lượt là quá rẻ".
Ông Thanh cũng cho rằng, với mức giá dự kiến đưa ra phù hợp, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ có nhiều người sử dụng.
"Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á hay Châu Âu mức giá cho vé tàu đều được điều chỉnh một cách hợp lý. Tôi hi vọng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Việt Nam sẽ có hệ thống thang máy phục vụ cho khách hàng để khách hàng dễ dàng di chuyển", ông Thanh nêu ý kiến.
Đề xuất một số giải pháp thu hút khách cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ông Liên kiến nghị: "Để thu hút được người dân đi tàu điện trên cao, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho những đối tượng đặc biệt. Ví dụ như là những chính sách miễn vé cho người trên 60 tuổi, giảm phí cho học sinh sinh viên, miễn vé cho người khuyết tật".
Hiện, Bộ GTVT đang làm các thủ tục để bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho TP Hà Nội một cách nhanh nhất, trong tháng 4/2021 sẽ hoàn thành để có thể vận hành thương mại vào tháng 5.
Bình luận