Bệnh nhân 2899 là công dân trở về từ Nhật Bản đã được cách ly đúng quy định và xét nghiệm 3 lần đều cho kết quả âm tính.
Ngày 22/4 bệnh nhân hoàn thành cách ly được về địa phương. Ngày 24/4 bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, đau họng được trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Tính tới thời điểm này đã có thêm 17 trường hợp dương tính liên quan đến bệnh nhân 2899. Điều này đặt ra vấn đề: Có hay không các xét nghiệm cho kết quả âm tính giả?
Trả lời vấn đề này, GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương khẳng định, việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính giả là khả năng có thể xảy ra và cần nghiêm túc đánh giá câu chuyện này.
Theo GS Nguyễn Anh Trí, hiện nay cả nước chưa có thống kê cụ thể các trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính giả nhưng con số thực tế chắc chắn không hề ít.
“Tôi cho rằng việc thống kê các trường hợp xét nghiệm cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả rất cần thiết. Vì hậu quả để lại từ việc xét nghiệm cho kết quả giả vô cùng nghiêm trọng, chẳng hạn chùm ca bệnh tại Hà Nam”, ông Nguyễn Anh Trí cho biết.
Lý giải về nguyên nhân có trường hợp xét nghiệm cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả, GS Nguyễn Anh Trí chỉ rõ 3 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất là sai sót trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm. Việc lấy mẫu bệnh phẩm ngoài đòi hỏi về mặt chuyên môn còn là trách nhiệm cũng như sự cẩn thận của các nhân viên y tế. Chỉ cần lấy không đúng và không trúng vị trí cần lấy mẫu bệnh phẩm sẽ cho kết quả khác. Những sai sót trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm mang tính chủ quan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm.
“Cá nhân tôi đã thử nghiệm hàng nghìn lần việc lấy mẫu xét nghiệm và bản thân cũng đã từng 2 lần được lấy mẫu xét nghiệm nên tôi cho rằng đây là bước vô cùng quan trọng. Tuy nhiên trình độ nhân viên y tế ở các địa phương không có sự đồng đều và không thể đảm bảo 100% nhân viên y tế làm đúng. Cho nên quá trình lấy mẫu xét nghiệm không tránh khỏi sai sót”, GS Nguyễn Anh Trí nói.
Nguyên nhân thứ hai là do các bộ kit test COVID-19 chưa có sự đồng nhất, chưa có sự tương đồng về chất lượng do được sản xuất từ nhiều hãng khác nhau.
Do nhu cầu cần xét nghiệm trên diện rộng nên cơ quan quản lý đã nhập nhiều bộ kit test COVID-19 từ các hãng khác nhau. Điều này đảm bảo về mặt số lượng nhưng lại đặt ra bài toán về mặt chất lượng của các bộ kit test COVID-19.
Nguyên nhân thứ ba đến từ vấn đề quản lý của phòng xét nghiệm. Quy trình xét nghiệm hiện nay được đồng bộ từ các khâu lấy mẫu bệnh phẩm, kiểm tra mẫu bệnh phẩm, sàng lọc…Quy trình này thuộc quyền quản lý của các phòng xét nghiệm.
Công tác quản lý là điều quan trọng nhất và cần phải làm tốt từ đầu, làm thường xuyên.
“Quản lý, kiểm tra việc lấy mẫu bệnh phẩm, chất lượng bộ kit test COVID-19… cần phải được làm thường xuyên, làm hàng ngày. Do vậy đôi khi chạy đua xét nghiệm rất dễ nảy sinh ra kẽ hở. Và kẽ hở lớn nhất thường đến từ công tác quản lý chất lượng ở các phòng xét nghiệm được phép sàng lọc”, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Từ câu chuyện thực tế trên, GS Nguyễn Anh Trí đề xuất Bộ Y tế phải có cơ chế kiểm tra, giám sát đảm bảo các phòng xét nghiệm thực hiện đúng theo quy định và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật. Việc kiểm tra chất lượng của các labo phải là hoạt động thường xuyên, diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Bên cạnh đó đối với các labo khẳng định cần phải kiểm tra, đánh giá và cấp phép nghiêm ngặt hơn, tốt hơn so với các labo sàng lọc. Đồng thời không nên mở rộng các labo sàng lọc mà chưa đưa ra được tiêu chuẩn kỹ thuật và không được cấp phép.
Cuối cùng các phòng xét nghiệm phải chú ý đến quy trình lấy mẫu bệnh phẩm cũng như nhập và sử dụng các bộ kit test COVID-19.
“Việc xét nghiệm cho ra kết quả âm tính giả gây ra hệ lụy rất lớn. Với cương vị là nhà khoa học tôi nghĩ vấn đề này sẽ còn tái diễn nếu như tình trạng hiện nay không được cải thiện. Đây là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 nên tôi rất mong cơ quan quản lý có thể nhìn nhận rõ vấn đề này”, GS Nguyễn Anh Trí nói.
Bình luận