Ngày 1/10, Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng sông Cửu Long - Dự báo Quý IV và triển vọng năm 2022".
Gần 90% doanh nghiệp ĐBSCL tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng qua
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Đáng chú ý là số DN rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới. Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 117,8 nghìn DN gia nhập thị trường, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6%. Cũng trong 9 tháng năm nay, có 90,3 nghìn DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Thành, riêng ĐBSCL, con số các DN tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Các DN có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện “3 tại chỗ”, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…), theo khảo sát của VCCI Cần Thơ.
Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù GDP Quý III/2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.
Giải pháp thích ứng là yếu tố quyết định sự sống còn
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hướng tới mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế” mà Thủ tướng đã đề ra trong Hội nghị trực tuyến về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua, nhiều thách thức và bài toán về phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” được đặt ra.
Theo ông Thành, thời điểm mở cửa lại là thời điểm DN phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi,...
Trong bối cảnh “bình thường mới”, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của DN sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.
"Chính vì thế, Hội thảo ngày hôm nay sẽ là một khởi đầu quan trọng cho việc cung cấp thông tin cho cộng đồng DN về những diễn biến mới nhất nền kinh tế, dự báo Quý IV và triển vọng năm 2022, những chủ trương và động thái hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương. Các chuyên gia kinh tế sẽ đúc kết những cơ hội và thách thức của bối cảnh mới nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, đưa ra những lời khuyên cần thiết để các DN chuẩn bị bước vào giai đoạn tái sản xuất", ông Thành nói.
Bình luận