Vừa qua, thông tin nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố đã gây hoang mang dư luận.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ về động cơ, sự tuỳ tiện và sai phạm của những người tổ chức khảo sát và công bố thông tin, liệu có ai đứng đằng sau điều khiển việc đó không.
Trao đổi với báo chí bên lề thảo luận tổ, chiều nay, 22/10, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã có sự bàn bạc với Bộ Thông tin và Truyền thông vấn đề này.
Bộ trưởng Công an đã phân một công một Thứ trưởng phụ trách để điều tra, làm rõ vụ việc. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, tất cả những chuyện gì vi phạm luật pháp đều phải được xem xét, xử lý.
“Tuỳ vi phạm đó ở mức độ vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Đặc biệt những vi phạm làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội thì cũng bị xử lý.
“Không phải chỉ Bộ Thông tin và Truyền thông mà người dân cũng có quyền phản ảnh lên những vụ việc mất an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật. Thậm chí vi phạm những phong tục, tập quán truyền thống cũng phải nghiên cứu để xử lý”, Bộ trưởng nói.
Video: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bác thông tin của Vinastas về nước mắm
Qua thông tin do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt nam công bố đã khiến những hộ làm nước mắm truyền thống bị thiệt hại nặng nề, thậm chí xuất hiện tình trạng đẩy nước mắm truyền thống ra khỏi siêu thị…Đó là những hiện tượng xã hội cần phải nghiên cứu.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ phối hợp với nhiều cơ quan khác tiến hành đánh giá về khoa học về các chất có trong nước mắm.
“Còn ai đưa ra thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân thì cũng phải xem xét. Nếu có sự vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh thì cũng phải điều tra xử lý nghiêm” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Nhiệm vụ lực lượng Công an là duy trì, đảm bảo môi trường lành mạnh, trong đó có môi trường sống, môi trường hoạt động kinh doanh…
Vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đối với những thủ đoạn, cách thức tung tin gây dư luận xấu để cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh thì cũng phải xử lý.
Video: Nước mắm nhiễm thạch tín: Độc hay không độc?
Ngày 22/10, sau khi họp bàn, lãnh đạo 5 hiệp hội đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về thông tin nước mắm chứa arsen (thạch tín) gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
5 hiệp hội tham gia kiến nghị lên Thủ tướng gồm: Hiệp hội Nước mắm Nha Trang; Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận; Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc; Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Tại văn bản kiến nghị, các hiệp hội khẳng định, nước mắm là sản phẩm truyền thống, là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam, gắn liền với cuộc sống của người dân, được tiêu dùng rộng rãi hàng trăm năm nay.
Mỗi năm, người tiêu dùng Việt tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm, trong đó 50 triệu lít là nước mắm nguyên chất (nước mắm truyền thống). Một số nhãn hàng nước mắm truyền thống đã xuất khẩu đi nhiều nước.
Tuy nhiên, ngày 17/10/ 2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm, trong đó có đoạn "có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc...
Hàm lượng asen tổng trong các mẫu không đạt, dao động từ 1-5 mg/lít (so với quy định là 1,0 mg/lít). Các mẫu có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (95,65% số mẫu khảo sát có độ đàm từ 40 độ trở lên có hàm lượng asen vượt ngưỡng quy định)”.
Bình luận