Minh Quân (13 tuổi, Hà Nội) là con thứ hai trong gia đình bố mẹ đều làm công chức. Em có gương mặt sáng sủa, khôi ngô và hoạt bát. Nhìn vẻ bề ngoài, ít ai nghĩ Quân mắc chứng tự kỷ.
Quân sinh ra bình thường như các trẻ khác, nhưng đến 3 tuổi con vẫn không biết nói, nhận thức không bằng trẻ 1 tuổi, và càng ngày càng có những hành động không bình thường với người xung quanh.
Con chỉ chơi một món đồ chơi nhất định, lúc nào cũng nép vào góc tối. Nhiều lúc Quân tự cắn mình cho tứa máu mà không có cảm giác đau đớn. Quân đi lại khác thường so với những đứa trẻ khác, chỉ nhón thụt lùi trên 10 đầu ngón chân. Vào bệnh viện khám, bác sĩ nói Quân bị tự kỷ nặng.
Vợ chồng chị Nguyễn Hiền (mẹ Quân) quyết định nghỉ việc, lặn lội khắp nơi đưa con đi chữa bệnh.
Một tuần hai buổi, chị đưa con đến trung tâm can thiệp cho trẻ tự kỷ. Những buổi đến trung tâm, chị đứng cạnh con, vừa quan sát biểu hiện của con trai vừa ghi nhớ những động tác chuyên gia hỗ trợ để khi nhà có thể dạy con.
Khi Quân 5 tuổi, chị Hiền cho con đến trường để hoà đồng cùng các bạn. Cuối ngày chị tới đón con thì được cô giáo thông báo: “Con chị chỉ ngồi được 10 phút thôi, sau đó con lăn ra đất và nằm ở cửa nhà vệ sinh. Lúc cô giáo đến nhấc lên thì con lại giãy giụa”.
Có cô giáo mầm non còn nói với gia đình để Quân học thêm 2 năm ở trường mầm non, sau đó là lớp tiền tiểu học và chuyển sang trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật. Lúc đó, chị Hiền rơi vào trạng thái hoang mang, lo sẽ không trường nào chấp nhận một đứa trẻ bất thường như Quân.
Nỗ lực của chị Hiền và con trai được đền đáp xứng đáng. Tuy còn hạn chế về mặt giao tiếp song sau hơn 5 năm điều trị, Quân biết nói chuyện, nhận biết màu sắc và vào cấp 1, 2 như bao trẻ khác.
“Con không tiếp thu nhanh như các bạn khác, nhưng mỗi ngày đến trường đều có tiến bộ rõ rệt. Biết nghe lời giáo viên, ghi chép bài, hòa nhập với bạn bè”, chị Hiền chia sẻ.
Theo ThS.BS Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển về tâm thần kéo dài suốt cuộc đời. Trẻ mắc chứng bệnh này gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Chứng tự kỷ làm cho trẻ mất khả năng giao tiếp, nhất là về phương diện ngôn ngữ và có thể gây tổn thương cho chính bản thân vì các hành động tự gây hại và quậy phá.
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra chính xác nguyên nhân mắc bệnh mà tất cả mới ở dạng giả thuyết hoặc nhóm nguyên nhân. Tự kỷ do đa nguyên nhân, có thể do yếu tố gene, gia đình, môi trường sống.
Đa số các phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đã rơi vào tâm trạng tuyệt vọng. Do thiếu kiến thức, các bậc cha mẹ thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con, dẫn đến việc con bị tự kỷ.
Không ít phụ huynh khi bác sĩ chẩn đoán con bị tự kỷ vẫn không tin đó là sự thật. Còn có trường hợp, cha mẹ đưa con đến điều trị nhưng khi về nhà không có thời gian, xao nhãng với con nên kết quả “đâu lại vào đấy”.
Đối với trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng. Sớm có nghĩa là cần phải can thiệp ngay khi trẻ còn bé, ngay sau khi phát hiện ra các dấu hiệu nguy cơ tự kỷ.
Độ tuổi được can thiệp tốt nhất là từ 2-4 tuổi. Cha mẹ không nên có tâm lý chờ đợi, hy vọng trẻ sẽ “không sao”, “trẻ chỉ chậm nói thôi”, “lớn lên rồi sẽ khác”. Cha mẹ cũng không nên đưa trẻ đi khám quá nhiều nơi chỉ mong xác định có chắc chắn tự kỷ hay không. Tất cả những điều này sẽ làm mất thời gian, mất cơ hội cho trẻ được can thiệp sớm.
Bình luận