Đều đặn mỗi tháng, chị Hương cùng con đi ôtô từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để châm cứu điều trị chứng tự kỷ.
Trung, con trai chị Hương bắt đầu tham gia châm cứu điều trị tự kỷ từ năm 2020 tại phòng châm cứu chừng 60m2 tại khu K4 Bách khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội của đại tá Trương Minh Việt (61 tuổi, nguyên Chủ nhiệm khoa A30 Viện Y học cổ truyền Quân đội, Hà Nội).
Bước chân vào phòng khám, Trung lễ phép chào bác sĩ Việt, rồi tiến đến ghế ngồi chờ đến lượt châm cứu như một thói quen, không hề xa lạ.
Vị bác sĩ 61 tuổi với giọng nói trầm ấm vui vẻ trò chuyện với bé Trung. Vừa châm cứu, bác sĩ vừa kể chuyện, hỏi thăm để bé quên đi căng thẳng, cứ thế, những chiếc kim dài chừng 5 - 7cm từ từ hạ xuống đầu. Năm phút trôi qua hơn 20 chiếc kim được cắm vào từng vùng trên phần đầu của Trung.
Chị Hương nhớ lại, năm Trung tròn 2 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng phổ tự kỷ. Sau nhiều biện phát can thiệp tâm lý không thành công, được bạn bè giới thiệu chị đưa Trung lên Hà Nội thử phương pháp châm cứu vùng đầu của đại tá Việt.
Nhớ ngày đầu đi châm cứu, Trung chưa biết nói, đi vệ sinh không biết gọi, có khi tè dầm cả phòng khám. Thi thoảng, con lên cơn sẽ đập đầu vào tường, không nhận biết được đau đớn. Chị như tuyệt vọng trước bệnh tình của con.
Sau nhiều nỗ lực can thiệp giờ đây con có thể nói, nhận thức tốt và hơn hết không còn tự làm hại bản thân. Vị phụ huynh nghẹn ngào cho rằng, khoảng thời gian qua là cuộc chiến khốc liệt và dài hơi.
Cùng đi với chị Hương là chị Mai cũng ở Thái Nguyên tâm sự, bé Tuân - con trai chị, châm cứu tại phòng khám của đại tá Việt được 8 tháng. Tuân cũng mắc hội chứng tự kỷ. Dù chị cho con đi học can thiệp ở nhiều nơi nhưng vẫn không thể nói. “Giáo viên nói với tôi có thể cả đời này Tuân sẽ không nói được”, nhớ lại ngày đấy chị Mai ứa nước mắt.
Thời gian đầu, bác sĩ Việt cũng không dám khẳng định có thể giúp con nói được, chỉ hỏi mẹ có thể kiên trì được hay không. Người mẹ gật đầu, thế là cuộc chiến giành giọng nói cho con bắt đầu. Một hai tháng đầu Tuân không có nhiều tiến bộ, nhưng từ tháng thứ 3 cậu bé thay đổi, sau 5 tháng Tuân có thể nói được những từ đơn.
“Tôi khóc rất nhiều khi lần đầu con cất tiếng gọi mẹ, tôi chờ điều ấy trong suốt gần 6 năm trời”, chị Mai nói.
Đại tá Trương Minh Việt dành hơn nửa đời người gắn bó với nghề y. Xuất thân là bác sĩ ngoại khoa tham gia điều trị cho quân đội, năm 1990 ông xin chuyển công tác tại Viện Y học cổ truyền quân đội. Tại đây ông được tiếp xúc với đông y, và bén duyên với phương pháp châm cứu. Năm 2006 vị đại tá được cử đi học chuyên sâu tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Châu, ông Việt bắt gặp một em bé châm kim đầy đầu. Tò mò ông tìm hiểu phương pháp châm cứu vùng đầu trị bệnh cho trẻ nhỏ, muốn đưa về Việt Nam.
Năm 2006 ở Việt Nam chuyện châm cứu cho trẻ nhỏ rất ít, còn châm cứu trên phần đầu thì chưa ai làm. Sau nhiều tháng nghiên cứu, đại tá Việt đưa phương pháp đầu châm về Việt Nam trị bệnh cho trẻ bại não.
Ca bệnh đầu tiên là một em bé 3 tuổi tên Phúc, người huyện Thanh Trì. Phúc không thể đi lại, chỉ nằm trên tay mẹ. Sau 6 tháng châm cứu kích thích các huyệt ở vùng đầu, chân em có thể đứng lên mà không cần mẹ bế.
Một trẻ khác tên Bình An ở Thanh Hoá bị bại não, bác sĩ trả về lo hậu sự khi liên tục co giật, tím tái không thở được. Sau nhiều tháng nỗ lực châm cứu hiện giờ Bình An có nhận thức, không bị co giật.
Sau thành công khi chữa trị cho trẻ bại não, ông Việt bắt đầu châm cho trẻ bị tăng động, giảm chú ý, thậm chí là tự kỷ thể nặng.
“Tất cả các bạn bại não hay tự kỷ, tăng động đều gặp vấn đề về não bộ, tôi áp dụng thử phương pháp đầu châm để kích thích phát triển vùng não cho các con”. bác sĩ Việt nói.
Trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, tăng động, sự chú ý, sức nhai kém, quá trình bật âm chậm, nhiều bạn ngậm miệng không chịu phát âm. Dựa trên biểu hiện bệnh ông Việt châm vào các vùng da đầu, kích thích não bộ, kết hợp với việc học can thiệp tại nhà giúp trẻ nói được, giảm hành vi.
"Mỗi đợt châm cứu sẽ kéo dài 20 ngày, trẻ nghỉ 10 ngày rồi bắt đầu liệu trình tiếp theo", ông Việt chia sẻ.
Không giống như một số phương pháp khác phải cố định trẻ tại một chỗ, phương pháp của ông Việt giúp trẻ thoải mái vận động không hề ảnh hưởng đến kết quả.
Chia sẻ về quá trình trị bệnh diễn ra trong bao lâu, vị bác sĩ cho biết sẽ tuỳ vào sự tiến bộ của trẻ để điều chỉnh lịch trình châm, có trẻ mất 6 tháng để hồi phục và tiến bộ, nhưng trường hợp nặng có thể mất 2 đến 3 năm. Đây là quá trình dài cần sự phối hợp của bệnh nhân, gia đình và bác sĩ.
Bình luận