Chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới của Việt Nam sẽ áp dụng cho bậc THCS từ năm học 2021- 2022. Đây cũng là năm đầu tiên môn học Lịch sử và Địa lý trở thành môn học bắt buộc được dạy từ lớp 6 đến lớp 9.
Môn học gồm các nội dung giáo dục Lịch sử, Địa lý và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,... Các mạch kiến thức lịch sử và địa lý được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài ra, môn học có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp như: bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lý....
Điều này đòi hỏi mỗi giáo viên phải thay đổi cách dạy từ chỗ tiếp cận đơn môn sang liên môn và đa môn. Trước mắt, giáo viên phải tự học, tự nghiên cứu kiến thức khoa học ở mức độ phổ thông, sau đó là qua các khoá bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
Như vậy, nguồn nhân lực được đào tạo chính quy về dạy học tích hợp Lịch sử và Địa lý sẽ bổ sung cho nền giáo dục Việt Nam sự thiếu hụt nhân lực giảng dạy và nghiên cứu trong giáo dục để thực hiện những bước chuyển mình lớn.
Nắm bắt được xu thế trên, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đẩy mạnh việc tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý trong thời gian đào tạo 4 năm.
Bình luận