Đối với các nước châu Âu, ý niệm về an ninh năng lượng luôn gắn liền với Nga. Bởi, khí đốt đại diện cho khoảng 1/4 năng lượng của châu Âu và Nga cung ứng khoảng 50% lượng gas tự nhiên cho khu vực này.
Nga chuyển khí đốt tới châu Âu qua một số đường ống chính như Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), Yamal - châu Âu và Brotherhood. Những đường ống này đóng vai trò vô cùng trọng yếu do không thể đưa một lượng lớn khí đốt đến nơi cần thiết nếu cơ sở hạ tầng tương ứng không có sẵn, ngược lại với dầu mỏ hoặc than đá.
Kể từ năm 2015, dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã trở thành trung tâm của tất cả các cuộc thảo luận liên quan đến quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Nga.
Tranh chấp về giá khí đốt giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ tháng 1/2006 và căng thẳng một lần nữa vào tháng 1/2009. Những cuộc tranh chấp liên miên dẫn đến việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine - tuyến đường trung chuyển nhiên liệu chính vào thời điểm đó. Điều này gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế châu Âu, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trong cả lĩnh vực sản xuất điện và phục vụ khu dân cư.
Đến năm 2014, cuộc khủng hoảng ở Ukraine làm dấy lên lo ngại rằng các nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đến châu Âu sẽ bị gián đoạn vì nguyên do chính trị. Việc này khiến vấn đề năng lượng được nâng lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của châu Âu và dẫn đến thành lập Liên minh Năng lượng EU. Nhưng trong khi châu Âu phát triển chiến lược an ninh năng lượng thì Nga cũng triển khai chiến lược của riêng mình để duy trì thị phần khí đốt ở châu Âu trong tương lai.
Để làm được điều này, Nga quyết tâm sẽ chuyển toàn bộ quá trình vận chuyển khí đốt sang châu Âu khỏi Ukraine vào năm 2020.
Vì mục tiêu đó, công ty dầu khí Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận với các công ty năng lượng lớn của châu Âu để xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 vào năm 2015. Đường ống này sẽ chuyển hướng vận chuyển khí đốt ra khỏi Ukraine bằng cách mở rộng liên kết trực tiếp có sẵn - Dòng chảy phương Bắc 1 - giữa Nga và Đức.
Quá trình hình thành gập ghềnh
Dự án Nord Stream 2 được khánh thành vào tháng 6/2015 và hoàn thành vào tháng 9/2021, chậm hơn 2 năm so với kế hoạch.
Ban đầu, Gazprom dự định việc lắp đặt các đường ống chỉ diễn ra từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2019. Nhưng thực tế, việc xây dựng bắt đầu ở vùng biển Phần Lan vào tháng 9/2018 và mất tới gần 3 năm để hoàn thành.
Có một số lý do dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án. Trước tiên là các thủ tục chống độc quyền do Văn phòng Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng Ba Lan khởi xướng khiến Gazprom mất thêm vài tháng để có được quyết định cấp vốn đầu tư.
Quá trình xin giấy phép xây dựng đường ống dẫn khí cũng mất nhiều thời gian hơn dự kiến của phía Nga. Mặc dù vào năm 2018, Nord Stream 2 đã nhận được giấy phép để thực hiện các công trình xây dựng ở các vùng biển của Đức, Phần Lan, Thụy Điển và Nga, nhưng chính phủ Đan Mạch chỉ thông qua quyết định liên quan đến vấn đề này vào cuối tháng 10/2019. Không chỉ vậy, Đan Mạch còn chờ Gazprom nộp đơn tới 3 lần mới cấp giấy phép xây dựng. Nguyên nhân là do chính sách của chính phủ Đan Mạch về tuyến đường ống dẫn khí đốt trong vùng biển nước này.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga vào tháng 12/2019 lại khiến việc xây dựng đường ống phải đình chỉ thêm gần 12 tháng, đây cũng là tác động lớn nhất đến việc trì hoãn triển khai dự án. Do các hạn chế Mỹ áp đặt, bất kỳ thực thể nào liên quan đến việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 cũng có nguy cơ bị đưa vào danh sách trừng phạt, dẫn đến việc công ty Thụy Sĩ Allseas gián đoạn việc đặt đường ống.
Việc xây dựng chậm trễ làm tăng đáng kể chi phí của dự án. Dù ngân sách chính thức của đường ống không vượt quá 10 tỷ EUR (hơn 11,6 tỷ USD), nhưng theo báo cáo của các nhà phân tích tại Sberbank năm 2018, chi phí cuối cùng lên tới khoảng 14,5 tỷ EUR (hơn 16,8 tỷ USD). Thậm chí, số tiền còn lớn hơn nữa nếu tính đến phí bổ sung liên quan đến việc sử dụng các tàu (Fortuna, Akademik Cherskiy và các tàu phụ) để hoàn thành việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2.
Sự chậm trễ trong việc triển khai dự án là một trong những nguyên nhân chính buộc Gazprom phải ký hợp đồng vận chuyển mới với Ukraine với các điều khoản có lợi hơn cho chính quyền Kiev. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nếu Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành vào cuối năm 2019, Gazprom đáng lẽ đã có cơ hội đàm phán một hợp đồng ngắn hạn với khối lượng vận chuyển nhỏ hơn.
Thành công chính trị của Nga
Việc hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2 là một thành công chính trị đối với Moskva. Dự án được công bố và thực hiện trong thời kỳ mối quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, xuất phát từ mâu thuẫn Nga - Ukraine. Việc xây dựng đường ống vẫn tiếp tục bất chấp các cuộc khủng hoảng chính trị khác sau năm 2015, điển hình là vụ đầu độc Sergei Skripal và nhân vật đối lập Alexei Navalny, sau đó là việc Navalny bị bỏ tù.
Chỉ riêng thông báo xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới chạy từ Nga sang châu Âu đã quá đủ để gây ra sự chia rẽ chính trị nghiêm trọng trong EU bởi việc này đem lại lợi ích chiến lược cho điện Kremlin. Hơn nữa, việc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trở thành đối tượng tranh chấp trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng có lợi về mặt chính trị cho Moskva. Điều này đã được thể hiện trong quan hệ giữa Washington và Berlin vào thời Tổng thống Donald Trump. Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, các lệnh trừng phạt đối với dự án này mới được nới lỏng, làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với các nước Trung và Đông Âu.
Cuối cùng, việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 cho phép Moskva thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách đối ngoại năng lượng: giảm thiểu, và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vận tải quá cảnh của Nga vào các nước thứ ba, đặc biệt là Ukraine.
Hơn nữa, các đường ống dẫn khí đốt mới không chỉ cải thiện vị thế của Moskva trong các cuộc đàm phán về năng lượng với Kiev, mà còn trở thành công cụ đàm phán chính trị với Ukraine của Nga.
Những thách thức ngăn Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động
Việc hoàn thành xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 là giai đoạn quan trọng trong dự án này, nhưng lại chưa phải giai đoạn cuối cùng.
Dù đại diện của chính phủ Nga và Gazprom đã thông báo rằng đường ống dẫn khí đốt mới có thể được đưa vào hoạt động trong năm 2021, nhưng vẫn chưa rõ khi nào kế hoạch này sẽ được thực hiện.
Có 2 nguyên nhân chính khiến đường ống chưa thể hoạt động.
Nguyên nhân đầu tiên là quy trình chứng nhận được thực hiện tại Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (BNA) trực thuộc Bộ Kinh tế Đức (FRG). Trước khi chứng nhận, cơ quan này cần loại trừ khả năng đường ống dẫn khí đe dọa đến an ninh của nguồn cung cấp khí đốt cho Đức và châu Âu. Cơ quan quản lý Đức đã thông báo rằng thủ tục thậm chí có thể kéo dài đến tháng 1/2022. Đồng thời, vẫn chưa rõ liệu phía Nga đã giải quyết vấn đề về chứng nhận công trình xây dựng được thực hiện vào năm 2021 trong vùng biển của Đan Mạch hay chưa.
Việc có được các chứng chỉ liên quan là rất cần thiết để cơ sở hạ tầng được đưa vào hoạt động. Không chỉ vậy, các thực thể có thể cung cấp chứng nhận cho Dòng chảy phương Bắc 2 đang có nguy cơ bị hạn chế theo lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra vào tháng 1 năm nay.
Một thách thức khác cho Nga là các hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của đường ống dẫn khí đốt trong luật năng lượng của EU. Theo đó, Gazprom không được phép đóng vai trò vừa là nhà cung cấp khí đốt vừa là chủ sở hữu cơ sở hạ tầng của Dòng chảy phương Bắc 2. Đồng thời, công ty bị cấm sử dụng độc quyền cơ sở hạ tầng mới. Để đáp ứng được yêu cầu này, Gazprom chỉ được chiếm 50% sản lượng của đường ống và phải nhường phần còn lại cho các nhà cung cấp thay thế. Công ty điều hành dự án cũng phải độc lập với Gazprom.
Nga sẽ có những động thái nào?
Moskva quyết tâm đưa đường ống dẫn khí đốt mới vào hoạt động càng sớm càng tốt, điều này được thể hiện qua các biện pháp chính trị, kinh tế và pháp lý mà Nga đã và đang tiến hành.
Thứ nhất, nhiều tháng nay, Moskva đã gây áp lực chính trị lên các đối tác châu Âu - đặc biệt là Đức – nhằm đảm bảo việc hoàn thành và khởi động Dòng chảy phương Bắc 2.
Biện pháp gây áp lực thứ hai là chính sách của Gazprom đối với người tiêu dùng khí đốt châu Âu. Vào tháng 7 năm nay, công ty đã không đăng ký công suất hàng năm cho đường ống dẫn khí Yamal - châu Âu trong giai đoạn từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022. Không chỉ vậy, bất chấp nhu cầu khí đốt ngày càng tăng ở châu Âu trong những tháng gần đây, Gazprom vẫn hạn chế việc đáp ứng các nghĩa vụ hợp đồng và không tăng khối lượng khí đốt được bán trong các sàn giao dịch. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến việc giá nhiên liệu tăng đáng kể.
Cuối cùng là biện pháp về pháp lý. Gazprom đang nỗ lực yêu cầu vô hiệu hóa những hạn chế do luật năng lượng của EU trước Tòa án Công lý châu Âu và Tòa án Trọng tài Quốc tế.
Ngoài ra, một số động thái tiềm năng của gã khổng lồ năng lượng Gazprom nhằm vào các quy định của EU cũng được gợi ý trong các ấn phẩm chuyên về lĩnh vực năng lượng. Có ý kiến cho rằng, Nga có thể sẽ cố gắng chia đường ống dẫn khí đốt thành 2 phần. Phần nhỏ hơn - chiếm khoảng 4% tổng đường ống dẫn khí đốt đi qua lãnh hải của Đức - sẽ tuân theo các yêu cầu của EU.
Bình luận