Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
Dự thảo Nghị quyết gồm 10 chính sách, cơ chế đặc thù, trong đó 6 chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại một số địa phương trước đó. Việc áp dụng các cơ chế đặc thù này cho Khánh Hoà không làm tăng bội chi, trần nợ công của Chính phủ và vẫn tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tỉnh.
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển tại khu kinh tế Vân Phong.
Để trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải đáp ứng 3 điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm với lĩnh vực, ngành nghề sẽ đầu tư. Nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo các điều kiện an ninh quốc phòng. Việc lựa chọn, thủ tục chọn nhà đầu tư chiến lược phải minh bạch rõ ràng, đảm bảo thực sự là các nhà đầu tư có năng lực.
Để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế, được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Bên cạnh đó, Ban quản lý khu kinh tế thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho các dự án. Các quyết định, kết quả phê duyệt sau đó được gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Khánh Hoà để theo dõi, giám sát.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đề xuất cho tỉnh Khánh Hoà áp dụng các cơ chế đặc thù về tài chính, đất đai, tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khỏi dự án đầu tư công.
Cụ thể, về quản lý tài chính, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Khánh Hoà tối đa 70% từ số tăng thu so với dự toán Thủ tướng giao.
Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa được vay tối đa 60% số thu ngân sách được hưởng thông qua phát hành trái phiếu địa phương, các tổ chức nước ngoài, trong nước và từ nguồn vay về cho vay lại của Chính phủ với tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định.
Tỉnh Khánh Hòa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2022 khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
HĐND tỉnh Khánh Hoà được sử dụng ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Về đất đai, HĐND tỉnh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo uỷ quyền của Thủ tướng và phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đối với việc thu hồi đất tại khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo Luật Đất đai với dự án ngoài ngân sách, có quy mô từ 300 ha trở lên.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới. Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ được áp dụng từ 1/8 năm nay và kéo dài trong 5 năm.
Bình luận