Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân là người cai quản chuyện bếp núc của mỗi gia đình. Táo quân bao gồm 2 ông và 1 bà, tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt xưa.
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình lại sửa biện lễ vật, mâm cỗ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Mâm cỗ cúng ông Táo trong truyền thống bao gồm các món cơ bản như: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.
So với trước kia, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ngày nay đã được đơn giản hơn, không bắt buộc phải có đầy đủ các món ăn truyền thống. Ngoài ra, nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như khẩu vị của gia chủ.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.
5 món ăn cần phải có trong mâm cúng ông Công, ông Táo gồm:
Gà luộc
Dù bữa ăn hàng ngày của các gia đình hiện nay rất phong phú, tuy nhiên cúng ông Công, ông Táo không thể không có gà luộc. Để tránh tình trạng gà luộc chín quá da bị rách hoặc chín không đều, bạn nên cho gà vào nồi nước lạnh sau đó bắc lên luộc.
Khi luộc gà, nên đổ nước sôi ngập đầu gà, dùng đũa bếp chèn bên trên để gà không nổi trên mặt nước. Đun 10-20 phút (tuỳ gà to hay nhỏ, non hay già) tính từ lúc nước sôi rồi tắt bếp, để nguyên gà trong nồi ngâm thêm 15 phút là được.
Đĩa xôi
Có thể nói rằng, xôi là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. Vào ngày lễ này, bạn có thể tự mình nấu xôi hoặc mua xôi để chuẩn bị cho một mâm cúng đầy đủ nhất.
Giò heo
Để mâm cúng thêm đầy đủ, không tốn nhiều công sức thời gian, bạn nên chuẩn bị thêm một khoanh giò.
Miến xào lòng gà
Nguyên liệu để nấu món này bao gồm 1-2 bộ lòng gà, miến, mộc nhĩ, hành, tỏi (đồ cúng thì bỏ tỏi). Sau khi sơ chế lòng gà, miến, mộc nhĩ, hành, bạn bắt tay vào thực hiện món ăn cơ bản này theo các bước sau:
- Cho dầu ăn, hành giã nhỏ vào chảo, đến khi hành thơm thì cho lòng gà vào xào. Khi lòng gà chín, cho mộc nhĩ vào xào rồi cho cà rốt vào. Tiếp tục đảo cho đến khi lòng gà, mộc nhĩ, cà rốt chín.
- Tiếp theo cho miến vào đảo đến khi chín rồi cho gia vị vào.
Khi tất cả đã chín, cho ra đĩa, bày thêm rau mùi để món ăn thêm hấp dẫn.
Bánh chưng
Dịp ông Công, ông Táo, gia chủ cũng có thể thay thế xôi bằng bánh chưng. Bánh chưng có thể tự gói hoặc đặt mua ở ngoài hàng. Tốt nhất bạn nên mua ở nguồn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nên cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ hay dưới bếp?
Nói về việc cúng Táo quân nên ở bếp hay ban thờ gia tiên, TS. Nguyễn Hoàng Điệp - chuyên gia văn hóa phương Đông cho biết, theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp, thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.
Hiện, ở một số chùa lớn cũng thường có ban thờ riêng cúng Táo quân. Xưa, lễ cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi đặt ban thờ riêng các Táo. Song ngày nay, việc thờ cúng đã đơn giản hóa, nhiều nhà không có ban thờ riêng ông Táo.
Với những nhà không có ban thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính. Khi cúng người dân nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ.
TS Nguyễn Hoàng Điệp tư vấn, năm nay, giờ đẹp nhất để cung tiễn Táo quân về trời là giờ Ngọ (từ 11 – 13h) tức giờ Long Mã, giờ Ngọ hóa Rồng và đó cũng là giờ chư Phật thụ lộc.
Video: Cách làm sườn non ngũ sắc cúng ông Công, ông Táo
Bình luận