Hội thảo có sự tham dự của Ngài Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, lãnh đạo Quỹ Ajinomoto - Tập đoàn Ajinomoto và công ty Ajinomoto Việt Nam cùng các khách mời là các bác sĩ, cán bộ dinh dưỡng và giảng viên chuyên ngành dinh dưỡng của các trường đại học và cao đẳng y tế tại Cần Thơ và Hà Nội.
Tại Hội thảo, xoay quanh chủ đề cá thể hóa trong dinh dưỡng, các giáo sư và chuyên gia dinh dưỡng đến từ Nhật Bản, Mỹ và Việt Nam đã trình bày và thảo luận nhiều nội dung như: Lịch sử chính sách và thực hành dinh dưỡng tại Nhật Bản, Vai trò của cán bộ dinh dưỡng tại Mỹ, Cá nhân hóa dinh dưỡng từ góc độ di truyền học và một số kết quả nghiên cứu về gen nhạy cảm với bệnh liên quan đến dinh dưỡng tại Việt Nam, Cập nhật điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại khoa, Cá thể hóa trong dinh dưỡng,…
Cá thể hóa dinh dưỡng là chuyển đổi từ tư vấn chế độ dinh dưỡng chung cho tất cả các đối tượng trong cộng đồng sang tư vấn chế độ dinh dưỡng và lối sống đặc thù cho mỗi cá nhân, dựa trên đặc điểm cá nhân, bao gồm yếu tố hành vi (cách lựa chọn thực phẩm, thói quen ăn uống, yếu tố tâm lý, tình trạng thể lực,…) và yếu tố sinh học (cân nặng, chiều cao, gen di truyền,…). Mục đích của cá thể hóa trong dinh dưỡng là thay đổi lâu dài về hành vi trong chế độ dinh dưỡng theo hướng có lợi cho sức khỏe.
Theo Bộ Y tế (2019), Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, đó là bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư…chiếm đến 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Phần nhiều các bệnh không lây nhiễm có các yếu tố nguy cơ bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực chưa hợp lý. Trong bối cảnh này, cá thể hóa dinh dưỡng được dự đoán trở thành mô hình chăm sóc dinh dưỡng tương lai.
Để việc thực hành cá thể hóa dinh dưỡng được ứng dụng rộng rãi, việc tham khảo mô hình hệ thống dinh dưỡng của các quốc gia có nền dinh dưỡng phát triển như Nhật Bản, Mỹ, từ đó tiến hành mở rộng hệ thống đào tạo cán bộ dinh dưỡng trong nước và xây dựng các chính sách phù hợp về mặt quản lý, hoạt động là cực kỳ quan trọng.
Với mục tiêu gia tăng nhận thức của các nhà quản lý và cán bộ y tế về vấn đề này, các diễn giả đã trình bày và thảo luận về nhiều mặt của việc thực hành cá thể hóa dinh dưỡng nói riêng và tầm quan trọng về dinh dưỡng tiết chế nói chung.
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo dinh dưỡng cũng được trình bày và thảo luận tại Hội nghị. Các chuyên gia cũng đã chia sẻ những mô hình đào tạo tại Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nếu như hiện nay tại Việt Nam đã triển khai mô hình đào tạo cử nhân dinh dưỡng 4 năm thì tại những nước như Hoa Kỳ, các mô hình đào tạo để trở thành một cán bộ dinh dưỡng khá đa dạng, bao gồm đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học…
Đặc biệt, bên cạnh yếu tố lý thuyết thì yếu tố thực hành trong các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe rất được coi trọng để đẩy mạnh kỹ năng và tay nghề. Sinh viên được yêu cầu phải có tối thiểu 1.200 giờ thực hành tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ thực phẩm v.v.
Còn tại Nhật Bản, ngành dinh dưỡng đã được bắt đầu từ năm 1925, hiện có hơn 300 trường đại học và cao đẳng đào tạo nghề dinh dưỡng. Nhật Bản hiện có khoảng 1 triệu cán bộ dinh dưỡng và tỷ lệ cán bộ dinh dưỡng là 1:1.000 dân, tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới, góp phần đưa đến những tiến bộ ngoạn mục về dinh dưỡng của Nhật Bản.
Được biết hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (Vietnam Nutrition system Establishment Project – gọi tắt là VINEP) trong năm 2019, được phối hợp tổ chức bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế, Quỹ Ajinomoto - Tập đoàn Ajinomoto, Công ty Ajinomoto Việt Nam và các trường đại học.
Bình luận