• Zalo

Ba Lan triển khai hệ thống phòng không sát Ukraine: Bước đi 'chọc giận' Nga?

Quân sựThứ Năm, 24/11/2022 08:46:36 +07:00Google News
(VTC News) -

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, NATO luôn giữ vững quyết tâm viện trợ vũ khí cho Ukraine, song vẫn tránh can dự trực tiếp.

Khi tên lửa rơi xuống một ngôi làng của Ba Lan vào tuần trước khiến 2 dân thường thiệt mạng, đã có những lo ngại về khả năng Nga tấn công một quốc gia NATO và xung đột có thể lan rộng thành một cuộc đối đầu trực diện giữa Moskva với liên minh quân sự này. Mối lo đã tạm lắng khi các nhà điều tra Ba Lan kết luận đây là nhiều khả năng là tên lửa S-300 của Ukraine vô tình rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.

Ba Lan triển khai hệ thống phòng không sát Ukraine: Bước đi 'chọc giận' Nga? - 1

Hiện trường vụ tên lửa rơi xuống ngôi làng ở đông nam Ba Lan ngày 15/11. (Ảnh: Twitter/Polski Serwis Pozarniczy)

Tuy vậy, rủi ro từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến Ba Lan ngày 21/11 quyết định tiếp nhận hệ thống phòng không Patriot từ Đức theo đề nghị của Berlin và dự kiến triển khai gần biên giới với Ukraine.

Giống như Mỹ, Ba Lan là một trong những quốc gia viện trợ nhiệt tình nhất cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát vào cuối tháng 2. Warsaw đã cung cấp nhiều loại vũ khí và hỗ trợ tích cực về mặt ngoại giao cho Kiev, nhưng luôn tránh can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù Ba Lan cần thời gian để tiếp nhận và vận hành hệ thống phòng không do Đức chuyển giao, thậm chí tiến trình này có thể kéo dài sau khi xung đột tại Ukraine kết thúc, song kế hoạch đặt Patriot gần biên giới với Ukraine là dấu hiệu cho thấy Ba Lan ngày càng lo ngại những rủi ro về an ninh, cũng như nguy cơ cuộc chiến lan rộng. Kế hoạch này nếu được thực thi cũng đặt ra một loạt câu hỏi về quyết tâm của NATO hỗ trợ Ukraine trong khi vẫn đứng ngoài lề chiến sự.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu radar của chúng ta thấy tên lửa đang bay tới và tên lửa cần phải được đánh chặn bên trong lãnh thổ Ukraine”, Jacek Bartosiak – người đứng đầu nhóm nghiên cứu Chiến lược và Tương lai tại Warsaw lưu ý. Ông cho rằng, kịch bản này khó có khả năng kéo NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga nhưng sẽ khiến liên minh rơi vào một “vùng xám” không xác định.

Chuyên gia Bartosiak cho rằng, sau vụ rơi tên lửa, các máy bay chiến đấu của Nga có thể không mạo hiểm bay vào khu vực phía Tây Ukraine gần không phận Ba Lan, vì thế sẽ tránh được nguy cơ vô tình bị trúng tên lửa phóng từ lãnh thổ Ba Lan. Còn các tên lửa PAC-3 Patriot do Đức cung cấp có tầm bắn chỉ khoảng 32km, hầu như không thể vươn tới các khu vực của Ukraine – nơi lực lượng không quân và bộ binh đang hoạt động.

Tuy vậy, nhà phân tích Bartosiak cho rằng, vẫn có khả năng tên lửa Patriot hoạt động trong không phận Ukraine. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ làm suy yếu cách tiếp cận của NATO đối với cuộc chiến.

Ba Lan triển khai hệ thống phòng không sát Ukraine: Bước đi 'chọc giận' Nga? - 2

Tên lửa Patriot được khai hỏa từ mặt đất. (Ảnh: DefenseNews)

Suốt nhiều năm qua, Nga đã lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai tên lửa do Mỹ sản xuất ở Ba Lan. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng đây là một phần của chương trình an ninh nhằm chống lại những tên lửa đạn đạo do các quốc gia đối đầu phóng đi.

Nhiều nhà phân tích quân sự của Nga đã cáo buộc NATO lợi dụng vụ rơi tên lửa ở miền Đông Ba Lan làm cái cớ triển khai hệ thống phòng không gần Ukraine để giúp Kiev bắn hạ tên lửa Nga. Họ cho rằng, việc NATO bổ sung một vài hệ thống phòng không gần biên giới Ukraine sẽ không thể tạo ra “vùng cấm bay” trên lãnh thổ Ukraine, nhưng cảnh báo về sự can dự tiềm tàng của liên minh này nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công tên lửa của lực lượng vũ trang Nga vào những mục tiêu ở miền Tây Ukraine.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết, liên minh hoan nghênh đề nghị của Đức giúp Ba Lan trang bị hệ thống phòng không, song nhấn mạnh nhiệm vụ của chúng là bảo vệ lãnh thổ NATO. “Chúng tôi đang tăng cường khả năng phòng thủ ở phía Đông để ứng phó nguy cơ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine”

Trước đó Đức đã chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Slovakia - quốc gia cũng có chung đường biên giới với Ukraine. Hồi tháng 4 vừa qua, quân đội Mỹ cũng lắp đặt các khẩu đội Patriot tại sân bay Rzeszow của Ba Lan - nơi trung chuyển vũ khí của phương Tây cho Ukraine. Nhưng không hệ thống phòng nào trong số này được triển khai để đối phó Nga bên trong lãnh thổ Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, việc tên lửa Patriot mà Đức cung cấp cho Ba Lan có được phóng vào lãnh thổ Ukraine hay không phụ thuộc một phần vào bên kiểm soát hệ thống này. Vẫn chưa rõ đó là Đức hay Ba Lan. Theo thông lệ của NATO, quốc gia cung cấp hệ thống phòng không sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát chứ không phải quốc gia tiếp nhận. Chẳng hạn, hệ thống phòng không Patriot được lắp đặt tại sân bay Rzeszow vào tháng 4 do binh sĩ của Mỹ vận hành.

Robert Czulda - chuyên gia an ninh tại Đại học Lodz ở miền trung Ba Lan, cho rằng nhiều khả năng Đức sẽ kiểm soát hệ thống phòng không mới, ít nhất là ở giai đoạn đầu, bởi vì “quân đội Ba Lan không được đào tạo bài bản về cách sử dụng Patriot”.

Hồi đầu tuần này, Đại tá Michal Marciniak – người giám sát hệ thống phòng không tại Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, hệ thống tên lửa Patriot đầu tiên do Đức cung cấp đã được đưa tới Ba Lan và đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, Ba Lan cần thời gian để huấn luyện và đào tạo các binh sỹ, vì thế phải đến năm 2024 hoặc 2025, hệ thống mới có thể được vận hành đầy đủ. Theo ông Michal Marciniak, nhiệm vụ chính của hệ thống phòng không Patriot là “bảo vệ các trung tâm dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng và các đơn vị quân đội”.

Còn chuyên gia Czulda thuộc Đại học Lodz nhận định, nguy cơ các hệ thống này đẩy NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga là “rất nhỏ”. Ông cũng đặt câu hỏi, liệu việc Đức chuyển giao hệ thống Patriot có giúp tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Ba Lan hay đây chủ yếu là “động thái mang tính chính trị và tính biểu tượng nhằm thể hiện cam kết của Berlin bảo vệ an ninh cho Warsaw cũng như xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên”.

Quan hệ giữa Ba Lan và chính phủ Đức từ trước đến nay đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, chủ yếu là những tranh chấp có từ thời Chiến tranh thế giới thứ 2. Hồi tháng 9 vừa qua, Hạ viện Ba Lan thông qua nghị quyết yêu cầu Đức bồi thường thiệt hại chiến tranh mà Đức gây ra ở Ba Lan. Ba Lan cũng tuyên bố không tham gia vào việc thành lập Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu (Sky Shield) theo đề xuất của Berlin, vì cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Bình luận
vtcnews.vn