"Chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ Ba Lan trong việc đảm bảo không phận - với máy bay chiến đấu Eurofighter và hệ thống phòng không Patriot", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết hôm 20/11.
Theo Reuters, việc Chính phủ Đức đề nghị hỗ trợ cho nước láng giềng trong nỗ lực kiểm soát trên không bằng máy bay chiến đấu Eurofighter và hệ thống phòng không Patriot làm dấy lên lo ngại rằng xung đột ở Ukraine có thể lan rộng.
Các hệ thống phòng không trên mặt đất như Patriot được chế tạo để đánh chặn các tên lửa đang bay. Quân đội Đức hiện có 12 hệ thống phòng không Patriot, hai trong số đó được triển khai tới Slovakia.
NATO tăng cường phòng không ở Đông Âu kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2. Hồi tháng 10, các quốc gia thành viên NATO do Đức dẫn đầu khởi động sáng kiến cùng mua sắm các hệ thống phòng không, trong đó có cả Patriot.
Hôm 17/11, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Ba Lan Jacek Severa cho biết, những bằng chứng NATO, Mỹ và Ba Lan thu thập đều chỉ ra rằng vụ nổ tên lửa khiến 2 người thiệt mạng ở nước này hôm 15/11 là do lực lượng Ukraine thực hiện.
Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng tên lửa này có khả năng là của Ukraine. Trong khi đó, Kiev đổ lỗi vụ việc cho Moskva.
Mặc dù biết tên lửa rơi ở Ba Lan có khả năng cao thuộc về phòng không Ukraine, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg vẫn cho rằng Nga phải “chịu trách nhiệm” về sự cố đó. Ông Stoltenberg cho biết, không có dấu hiệu cho thấy sự cố đó là một cuộc tấn công cố ý.
Phản ứng trước sự việc, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các chuyên gia đã xác định các mảnh vỡ tên lửa trong hình ảnh từ địa điểm vụ nổ ở Ba Lan đêm qua là bộ phận của S-300 Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, các cuộc tấn công có độ chính xác cao của quân đội Nga chỉ được thực hiện vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine và ở khoảng cách không dưới 35km tính từ biên giới với Ba Lan. Ngoài ra, trong cuộc pháo kích hôm qua, không có cuộc tấn công nào được thực hiện vào Thủ đô của Ukraine.
Bình luận