Hôm nay (31/8) đánh dấu thời hạn chót để Mỹ và liên quân kết thúc quá trình sơ tán và rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan. Đồng nghĩa, quốc gia Nam Á này sẽ chính thức bước sang một giai đoạn mới dưới sự kiểm soát hoàn toàn của lực lượng Taliban. Tuy nhiên, tình hình tại đây vẫn vô cùng hỗn loạn và rối ren với loạt vụ tấn công, đánh bom liều chết.
Các diễn biến này đang khiến dư luận càng thêm hoài nghi về một tương lai bất định của Afghanistan, khi còn chưa thể ổn định đất nước đã phải chồng chất thêm các mối lo khủng bố. Vào lúc này, mô hình chính quyền mới, sự công nhận của quốc tế, mối quan hệ giữa Taliban với các nước... là hàng loạt vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm.
Tương lai bất ổn
Trong 2 tuần qua, kể từ khi lực lượng Taliban kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kabul cũng như phần lớn lãnh thổ Afghanistan, sân bay Quốc tế Hamid Karzai trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Trong điều kiện Taliban đã kiểm soát và khóa chặt toàn bộ biên giới. Đây là cửa khẩu duy nhất nối giữa Afghanistan với thế giới bên ngoài. Và trong tâm lý hoảng loạn của người dân Afghanistan khi chính quyền cũ đã sụp đổ, và chính quyền mới của Taliban đang hình thành, người ta càng có lý do để cố gắng trốn chạy khỏi quốc gia.
Người nước ngoài sợ bị tấn công khủng bố dưới tay Taliban và những bất ổn an ninh. Người Afghanistan từng làm việc cho phương Tây lo sợ bị trả thù. Họ còn sợ hãi trước viễn cảnh cuộc sống thường ngày bị bóp nghẹt, xã hội trở lại như dưới thời kỳ cai trị cách đây 20 năm của Taliban. Đó là nguyên nhân chính khiến hàng trăm nghìn người đã đổ xô tới sân bay Kabul trong suốt nửa tháng qua để tìm kiếm cơ hội rời khỏi đất nước.
Chính vì thế, việc sân bay Kabul trở thành mục tiêu tấn công, trở thành nơi các phần tử khủng bố nhắm tới cũng là điều dễ hiểu.
Diễn biến này cho thấy 2 điều với tương lai của Afghanistan. Thứ nhất, Taliban giành chiến thắng quá nhanh và dễ dàng tới mức họ đang phải học cách thích nghi với vai trò mới là đảm bảo an ninh cho cả đất nước. Đây là thử thách lớn bởi 20 năm qua, Taliban vốn chỉ quen với vai trò khác, là bên phản diện trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Với quân số cao nhất chỉ có khoảng 85.000 binh lính, nhiệm vụ đảm bảo an ninh là thách thức lớn với Taliban một khi lên nắm quyền, mà việc đầu tiên là tổ chức lại bộ máy chính quyền và bộ máy an ninh, quân đội. Thứ hai, loạt vụ khủng bố và pháo kích làm hơn 170 người chết tuần qua cho thấy các mối đe dọa với an ninh nội bộ của Afghanistan còn nhiều và phức tạp. Trước hết là lực lượng kháng chiến tại tỉnh Panjshir có sự tham gia của phó Tổng thống ở chính quyền cũ Amrullah Saleh.
Dù không phải là thách thức quá lớn nhưng đây được coi là cái gai trong mắt Taliban, buộc họ phải có cách thức xử lý khôn ngoan nếu không muốn hao người tốn của tại đây. Một mối nguy khác là một nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, mang tên Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K). Lực lượng này là thủ phạm của các vụ việc vừa qua. Chúng muốn tấn công lực lượng Mỹ để lấy thanh thế, tập hợp lực lượng và tranh giành ảnh hưởng, lãnh thổ với Taliban.
Mô hình bộ máy chính quyền mới
15 ngày qua là thời gian quá ngắn để Taliban có thể ra mắt một bộ máy điều hành mới cho đất nước Afghanistan cũng như hé lộ đường lối hoạt động của nó. Tuy nhiên, bước đầu Taliban đã cho thấy nỗ lực thành lập một chính quyền lâm thời ở Afghanistan nằm dưới sự điều hành trực tiếp của lực lượng này.
Trong buổi họp báo ngày 17/8, đại diện Taliban đã khẳng định lực lượng này sẽ không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Chính quyền mới dưới quyền điều hành của Taliban sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ theo luật Hồi giáo. Taliban cho biết sẽ ân xá cho tất cả mọi người, không trả thù bất kỳ ai bao gồm các thành viên của lực lượng an ninh chính quyền cũ, và cả những người từng làm việc cho phương Tây.
Về tổ chức bộ máy chính phủ mới, một thành viên cấp cao của Taliban cho biết bộ máy sẽ hoạt động theo mô hình Hội đồng gồm các bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp lên người đứng đầu hội đồng, rất có thể là lãnh tụ tối cao Taliban Mullah Hibatullah Akhundzada. Thẩm quyền của Hội đồng này cũng do lãnh tụ Ankhundzada quyết định.
Theo tính toán của Taliban, Akhundzada sẽ không có vai trò như tổng thống nhưng có quyền lực hơn nhiều. Một cấp phó của Akhundzada sẽ vào vai tổng thống. 2 tuần qua cũng là quãng thời gian Taliban tiến hành tham vấn với các lãnh đạo chính trị kỳ cựu ở Afghanistan như cựu Tổng thống Hamid Karzai, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Hòa giải Quốc gia Abdullah Abdullah về cơ cấu tổ chức của chính quyền mới. Động thái này là cử chỉ để cho thấy Taliban muốn xây dựng một chính phủ bao trùm với tất cả các đảng phái, phe cánh trong toàn quốc.
Mục tiêu của Taliban là hoàn thành việc xây dựng chính quyền mới trong vòng 2 tuần kể từ khi quân đội nước ngoài rút đi. Những ngày qua, Taliban đã bổ nhiệm 1 loạt vị trí trong chính phủ mới như quyền Bộ trưởng Giáo dục, quyền Giám đốc Ủy ban Olympic Quốc gia Afghanistan, quyền Bộ trưởng các bộ Thông tin và Văn hóa, Công vụ, cùng thị trưởng một số thành phố và thống đốc hầu hết các tỉnh.
Dù đưa ra những tuyên bố như vậy nhưng không ít người cho rằng chẳng có gì đảm bảo lời hứa của Taliban sẽ được thực hiện. Về cơ bản ý thức hệ và bản sắc của Taliban năm 2021 vẫn giống như 20 năm về trước. Họ vẫn lấy luật Hồi giáo Shariah là thước đo, khuôn mẫu cho xã hội Afghanistan hiện đại.
Mặt khác, ngoại trừ một vài thỏa hiệp trong giới hạn, Taliban chắc chắn không muốn chia sẻ quyền lực tuyệt đối với bất cứ lực lượng nào khác trong xã hội Afghanistan. Bản thân nội bộ Taliban cũng còn có những mẫu thuẫn, tranh giành lợi ích. Vậy nên chưa có điều gì chắc chắn về tương lai của nền chính trị Afghanistan.
Mối quan hệ giữa Taliban và Mỹ sẽ ra sao?
Mối quan hệ giữa Taliban và Mỹ hiện tại mới chỉ ràng buộc xung quanh bản thỏa thuận hòa bình ký tháng 2/2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Sự hợp tác của hai bên đến vào thời điểm Mỹ muốn rút quân càng sớm khỏi Afghanistan càng tốt, trong khi Taliban lại đang tìm kiếm các đòn bẩy để đường hoàng trở lại trên mặt trận chính trị và tiếp đó là quân sự.
Ở đây cần phải đánh giá lợi ích giữa đôi bên là gì trong giai đoạn hậu chuyển giao quyền lực ở Afghanistan. Nó sẽ quyết định mối quan hệ sau này.
Phải thấy rằng Mỹ cũng cần Taliban để giám sát tình hình Afghanistan trong tương lai, nhất là để ngăn chặn các nhóm khủng bố hình thành và chuẩn bị các âm mưu tấn công nước Mỹ. Trong khi đó, việc "bắt tay" với Mỹ cho phép Taliban tích lũy tính chính danh. Nó mở ra cơ hội cho Taliban thoát "cái áo" tổ chức khủng bố để thực sự vươn tầm lên một lực lượng chính trị nắm quyền tại Afghanistan. Và xa hơn, làm vừa lòng Mỹ cũng giúp Taliban tiếp cận với các khoản tiền của Chính phủ Afghanistan ở nước ngoài, cũng như các khoản viện trợ phát triển.
Tuy nhiên mọi việc không hẳn là đều như kỳ vọng. Mối quan hệ này vẫn mang tính chất tình thế, và quan trọng là lòng tin vẫn chưa bền vững.
Hôm qua 30/8, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã lên tiếng thúc giục Taliban phải tuân thủ các cam kết của mình. Quan chức này cho rằng Mỹ đã nghe một loạt các tuyên bố từ Taliban. Một số tuyên bố tích cực, một số tuyên bố mang tính xây dựng nhưng cuối cùng những gì Mỹ tìm kiếm, những gì các đối tác quốc tế của Mỹ sẽ tìm kiếm là hành động chứ không phải lời nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết sẽ không hợp tác với Mạng lưới Haqqani – một nhánh của Taliban ở Afghanistan. Từ năm 2012, Mỹ đã xếp Mạng lưới Haqqani vào danh sách khủng bố. Và nếu căn cứ vào các diễn biến hiện tại, Haqqani có thể trở thành một bộ phận của chính phủ tương lai của Afghanistan. Mâu thuẫn này được giải quyết như thế nào sẽ cho chúng ta câu trả lời về tương lai hợp tác giữa Taliban và Mỹ.
Bình luận