"Tôi tới đây để thông báo việc chúng tôi hoàn thành rút quân khỏi Afghanistan và kết thúc sứ mệnh quân sự sơ tán công dân Mỹ, công dân nước thứ 3 và những người Afghanistan dễ bị tổn thương. Chiếc C-17 cuối cùng cất cánh từ sân bay Hamid Karzai vào 15h29 chiều 30/8 giờ Washington. Có rất nhiều điều đau lòng liên quan tới sự rời đi này. Chúng tôi đã không thể đưa tất cả những người mà chúng tôi muốn rời đi", Tướng Frank McKenzie, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ nói cách đây ít giờ.
Chuyến bay quân sự cuối cùng của Mỹ rời Afghanistan
Tổng thống Biden trong tuyên bố đưa ra sau đó cảm ơn các lực lượng cuối cùng của Mỹ phục vụ tại Afghanistan vì thực hiện chiến dịch rút quân nguy hiểm từ Afghanistan như kế hoạch mà không có thêm thiệt hại về sinh mạng của người Mỹ.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, các binh sỹ Mỹ trong 17 ngày qua đã triển khai cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử, sơ tán hơn 120.000 công dân Mỹ, công dân các nước đồng minh và các đồng minh người Afghanistan.
"Các binh sỹ đã thực hiện điều đó với lòng dũng cảm, sự chuyên nghiệp và quyết tâm chưa từng có. Giờ đây, 20 năm hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc. Giờ đây, 20 năm hiện diện quân sự của chúng tôi ở Afghanistan đã kết thúc", ông Biden nhấn mạnh.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, không có công dân Mỹ trên 5 chuyến bay cuối cùng rời Kabul. Tướng Christopher Donohue cùng người phụ trách đại sứ quán Ross Wilson là 2 quan chức Mỹ cuối cùng rời Afghanistan.
Khi không còn nhà ngoại giao Mỹ nào hiện diện tại Afghanistan, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Kabul nhiều khả năng sẽ tạm thời dừng hoạt động.
"Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang tạm dừng bất cứ cam kết nào với công dân Mỹ ở Afghanistan và những người Afghanistan", quan chức này cho biết.
Từ Kabul, lực lượng Taliban đã bắn chỉ thiên để ăn mừng sau khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ cất cánh rời sân bay Kabul, Một chiến binh.
Hemad Sherzad - một chiến binh tại sân bay Kabul cho biết bản thân không thể diễn tả cảm xúc bằng lời.
"20 năm hy sinh của chúng tôi đã thành công", tay súng này cho hay.
20 năm "dã tràng"?
Việc Mỹ rút quân hôm 30/8 đánh dấu lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, quân đội Mỹ không còn hiện diện tại Afghanistan kể từ ngày Washington triển khai quân tới quốc gia Nam Á để trả thù vụ tấn công khủng bố hôm 11/9/2001.
Theo “Dự án chi phí chiến tranh” tại Đại học Brown, kể từ khi chính thức đổ bộ vào Afghanistan tháng 10/2001, Mỹ chi 2,26 nghìn tỷ USD vào chiến trường này. Điều đó tức là mỗi ngày, cuộc chiến này “ngốn” của Mỹ khoảng 300 triệu USD trong 2 thập kỷ qua.
Số tiền khổng lồ kể trên được chi vào các chiến dịch chống khủng bố, các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, quân trang, quân dụng, chi phí y tế, các khoản chi đặc biệt và các lợi ích khác.
Theo thống kê, số tiền này nhiều hơn giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và 30 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ cộng lại.
Một ước tính khác cho thấy Mỹ đã chi ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm cho quân đội Afghanistan để đào tạo và trang bị giúp lực lượng này đủ sức tự chiến đấu. Washington tin rằng chừng đó đủ để Kabul đứng vững thêm ít nhất 18 tháng sau khi nước này rút quân.
Nhưng đội quân được mô tả là "binh hùng tướng mạnh" với quân số 300.000 người lại nhanh chóng bại trận trước các cuộc tấn công của lực lượng Taliban với chỉ khoảng 80.000 quân trong vài tuần ngắn ngủi.
Mỹ chắc chắn không thể lường trước kịch bản ngày họ rút những binh sỹ cuối cùng rời Kabul cũng là thời điểm Taliban tuyên bố "giành độc lập".
Ngoài tiền bạc, cuộc chiến này cũng làm gần 2.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và khoảng 20.000 người khác bị thương, 4.000 công dân Mỹ bị giết hại.
Nhìn rộng ra, 20 năm chiến tranh tại Afghanistan là một thảm họa nhân đạo với 165.000 người thiệt mạng, trong đó 47.245 thường dân. Hàng triệu người phải ròi bỏ nhà cửa và hàng chục nghìn người phải xin tị nạn.
Còn gì ở lại Afghanistan?
Không binh sỹ nào của Mỹ còn hiện diện ở Afghanistan, nhưng họ không thể mang theo hàng chục máy bay, xe bọc thép cùng các tổ hợp phòng không trị giá hàng triệu USD về nước.
Các thiết bị này bao gồm 70 chiếc MRAP – dòng xe vận tải quân sự đa chức năng, được bọc giáp và có khả năng chống mìn với giá 1 triệu USD/chiếc, 27 chiếc xe bọc thép Humvee với giá hơn 300.000 USD/chiếc.
Tướng Thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết một số thiết bị đã bị vô hiệu hóa nên về cơ bản không thể hoạt động.
73 chiếc máy bay, một số hệ thống phòng không C-RAM với giá 10 triệu USD/tổ hợp cũng bị bỏ lại.
Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ khẳng định các thiết bị trên sẽ không còn tác dụng tác chiến. Nhưng Taliban có thể sẽ trưng bày chúng như chiến tích của chiến kéo dài 2 thập kỷ của lực lượng này để giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Theo CNN, cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử của Mỹ - bắt đầu từ một nỗ lực vội vàng đã không thể trọn vẹn khi 13 lính Mỹ đã ngã xuống nơi đất khách vụ đánh bom của IS vào sân bay Kabul tuần trước cũng như bản án tử hình đang treo trên đầu những người phiên dịch người Afghanistan từng giúp quân đội Mỹ chưa thể rời Kabul.
Ngoài ra, quyết định rút quân của Mỹ vẫn sẽ bị phủ bóng trước câu hỏi mối đe dọa khủng bố ở Afghanistan sẽ được giải quyết thế nào. Cái bắt tay trong quá khứ giữa Taliban và tổ chức al-Qaeda vẫn còn đó và không thể loại trừ kịch bản này lặp lại trong tương lai.
Các chuyên gia cũng lo ngại các tổ chức khủng bố như IS có thể sẽ hưởng lợi từ khoảng trống an ninh ở Afghanistan trong quá trình Taliban tiếp quản đất nước.
Vụ đánh bom của IS tại sân bay Kabul hôm 26/8 được xem là thông điệp thách thức mà IS gửi đi nhằm khẳng định vị thế của nhóm này ở Afghanistan và cảnh báo Taliban không nên xích lại gần Mỹ.
Tương lai của Afghanistan dưới thời Taliban vẫn còn rất bất định.
Nhiệm vụ hiện tại của Taliban là phải vực dậy nền kinh tế vốn phụ thuộc vào các khoản viện trợ nước ngoài của Taliban. Taliban có thể mạnh về mặt quân sự khi thắng như chẻ tre trước lực lượng quân đội đông đảo của chính phủ cũ, nhưng vấn đề quản trị đất nước với 40 triệu dân, điều hành kinh tế không phải là chuyện đơn giản.
"Taliban đã chiến thắng về mặt quân sự, nhưng bây giờ phải quản trị. Đó không phải việc dễ dàng", Ajmal Ahmady, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan cho biết.
Nguy cơ xảy ra nạn đói, nội chiến, trừng phạt bủa vây cũng là những thách thức mà Taliban phải xử lý thời gian tới. Chưa kể là tính chính danh của chính quyền. Không rõ bao nhiêu nước sẽ công nhận chính phủ mà Taliban thành lập.
"Từ thực tế Taliban là những người đang nắm quyền kiểm soát Afghanistan, chúng tôi phải có các cuộc thảo luận về việc sơ tán với lực lượng này. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với sự công nhận. Chúng tôi đã đặt ra các điều kiện", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định.
Bình luận