• Zalo

3 chị em bất tỉnh sau khi ăn nhầm thuốc tâm thần của bố

Sức khỏeThứ Tư, 09/01/2019 07:30:00 +07:00Google News

Lọ thuốc điều trị rối loạn thần kinh của bố để trong hộp xốp, 3 em bé tưởng là kẹo nên cùng nhau ăn rồi hôn mê.

Trong các bé có 2 chị em ruột (một 5 tuổi, một 3 tuổi) và một em họ 3 tuổi.

Ngày 5/1, ăn xong lọ thuốc mà tưởng là kẹo, 3 cháu đều lịm đi. Gia đình phát hiện, lập tức đưa các bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết các bé nhập viện trong tình trạng li bì, đánh thức không dậy, gọi hỏi không đáp ứng.

Các bác sĩ rửa dạ dày các cháu, cho uống than hoạt và sử dụng thuốc để đào thải loại chất gây ngộ độc qua đường nước tiểu, lấy máu để xét nghiệm. Sau khi điều trị tích cực 2 ngày, tình trạng các bé dần cải thiện.

"Hiện 2 bé đã tỉnh lại, đi lại được và tương tác tốt, có thể xuất viện. Một bé vẫn đang trong tình trạng lơ mơ, li bì, chưa hợp tác nên phải ở lại viện để theo dõi thêm", bác sĩ Vinh nói.

1-1546957801-2097-1546959223

Bác sĩ Ngô Anh Vinh khám cho bé trai ăn nhầm thuốc. (Ảnh: Thuỳ Linh). 

Theo bác sĩ Vinh, cơ thể trẻ em còn nhỏ, hệ thần kinh và các bộ phận khác đang phát triển, chưa hoàn thiện. Vì vậy, uống nhầm thuốc của người lớn, nhất là thuốc thần kinh, có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh trẻ rất nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Uống nhầm thuốc là một tình trạng thường gặp ở khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tất cả loại thuốc người lớn sử dụng đều không phù hợp với trẻ em. Các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến trẻ em từ mức độ nhẹ đến nặng.

Đặc biệt, trẻ nhỏ uống nhầm thuốc thần kinh của người lớn có thể hôn mê sâu, thay đổi ý thức, nếu không được phát hiện sớm thì hậu quả rất nặng nề.

"Vì vậy, những người sử dụng thuốc thần kinh đều phải được giám sát. Cần quản lý tốt các loại thuốc, để tránh xa tầm tay trẻ em, nên có những tủ riêng, có khóa", bác sĩ Vinh cảnh báo.

Trẻ nuốt nhầm thuốc cần nhanh chóng tìm mọi cách gây nôn nhiều lần nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn, chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn