"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hóa, không có hành động gây gia tăng căng thẳng, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy sớm đạt dược Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh trong buổi họp báo thường kỳ chiều 7/4.
Phó phát ngôn tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
"Việc thúc đẩy quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực", bà Hằng cho biết thêm.
Hồi đầu tháng 3, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất 3 trong số các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông, bố trí ở đó các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị áp chế và laser cùng máy bay chiến đấu,
Ông Aquilino nói thêm rằng việc xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của chủ quyền của Việt Nam) dường như đã hoàn thành nhưng hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc có theo đuổi việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở các khu vực khác hay không.
Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về thông báo mới đăng tải trên trang web của Cục hải sự Trung Quốc về cuộc tập trận của nước này diễn ra từ 9/3 đến 9/4 trên Biển Đông, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ:
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và chấm dứt vi phạm ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp cho việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam đã tiếp tục giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này".
Bình luận