"Nỗ lực trục vớt thể hiện cam kết của Hải quân Mỹ đối với khí tài của mình cũng như với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo báo chí đăng tải hôm 3/3.
Theo New York Times, nhóm trục vớt đã sử dụng phương tiện vận hành từ xa để gắn các dây nâng vào máy bay. Sau đó, chiếc tiêm kích được nâng lên mặt biển và đưa lên boong của một tàu dân sự mà Hải quân Mỹ ký hợp đồng hỗ trợ hoạt động trục vớt.
Hồi cuối tháng 1, chiếc F-35C Lightning II của Mỹ gặp sự cố khi đang hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson, khiến 7 người bị thương.
Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết, phi công lái máy bay F-35 đã phải nhảy ra ngoài khi máy bay “hạ cánh lỗi” và lao xuống boong tàu. Sự cố xảy ra khi nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đang diễn tập với nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln ở Biển Đông.
Máy bay gặp nạn là chiếc F-35C Lightning II, thuộc Không đoàn tàu sân bay số 2 (Carrier Air Wing 2), do Lockheed Martin sản xuất.
Ông Collin Koh, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết việc Mỹ khẩn trương tìm cách trục vớt chiếc F-35 một phần do lo ngại công nghệ của máy bay này có thể bị đánh cắp.
"Nếu người Mỹ bỏ lại chiếc máy bay dưới đáy biển, chiến đấu cơ này sẽ trở thành lời mời cho những quốc gia khác quan tâm đến các công nghệ trên F-35C, nếu họ có khả năng”, ông Collin cho hay.
Hải quân Mỹ ban đầu tránh nói về vụ sự cố này. Tuy nhiên, ảnh chụp máy bay trên mặt biển cùng video quay lại khoảnh khắc cuối của chiếc F-35 trước khi gặp nạn bắt đầu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội từ cuối tháng 1.
Theo Viện Hải quân Mỹ, một cuộc điều tra sau đó phát hiện 4 thủy thủ đã tung đoạn video này. Không rõ hình thức xử phạt với nhóm thủy thủ trên.
Bình luận