Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo có bước tiến vượt bậc, ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành nghề, khía cạnh trong cuộc sống. Đặc biệt, sự ra đời của ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn càng mở rộng sự phổ cập của trí tuệ nhân tạo tới mọi tầng lớp nhân dân.
Nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên ngành, tháng 6/2024, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội ký nghị quyết thành lập Viện nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4Life).
AI4Life ra đời với vai trò là đơn vị chuyên sâu đầu tiên trong cả nước tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên ngành, để nghiên cứu không còn chỉ giới hạn trong công nghệ thông tin mà sẽ được trải rộng ra trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
AI4Life hứa hẹn giúp kết nối và thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới. Từ đó giúp tạo ra các nghiên cứu, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên ngành, thực hiện chủ trương phát triển trí tuệ nhân tạo vì cuộc sống.
"Với tiềm lực của đội ngũ các nhà khoa học xuất sắc, tôi tin rằng AI4Life sẽ tạo nên những nghiên cứu đột phá, ứng dụng có giá trị thực tiễn, góp phần “nhúng” sâu trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đời sống", PGS Thắng nhấn mạnh. Chúng ta cần tận dụng và phát huy tối đa thế mạnh của trí tuệ nhân tạo, nâng cao năng lực và thông minh hóa các hệ thống, giải quyết các vấn đề trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục hiện nay.
Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội yêu cầu, tập thể lãnh đạo, nhà khoa học Viện nghiên cứu phối hợp cùng trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, trường Điện – Điện tử để phát triển hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đồng thời, viện cần xây dựng và phát triển tạo ra các nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đa ngành, đa lĩnh vực tầm cỡ khu vực, xây dựng những nội dung nghiên cứu đột phá. Cùng đó là nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút, tập hợp, xây dựng và hợp tác mạng lưới các nhà khoa học quốc tế, thực hiện quốc tế hóa trong nghiên cứu ứng dụng.
Bình luận