Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập trường Kinh tế trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Kinh tế và Quản lý.
Cùng với đó thành lập 4 viện nghiên cứu, gồm:
- Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Điện tử Y sinh học.
- Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa trên cơ sở tái cơ cấu Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa.
- Viện Công nghệ năng lượng trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh.
- Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước trên cơ sở phát triển Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, chuyển đổi từ Viện Kinh tế và Quản lý thành trường Kinh tế, không chỉ khác tên gọi mà có sự khác biệt lớn, thể hiện mô hình phát triển phù hợp, khát vọng vươn lên, đổi mới.
Đồng thời, việc thành lập thêm trường Kinh tế là một trong những bước đi hoàn thiện cơ cấu đại học với cấu trúc chặt chẽ, hệ thống quản trị, điều hành hiện đại, hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài. Đây cũng là việc hoàn thiện lại quy chế tổ chức và hoạt động.
Đại học Bách khoa Hà Nội xác định phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn luôn lấy công nghệ và kỹ thuật làm nòng cốt. Kỳ vọng trường Kinh tế sẽ tạo mô hình liên kết tốt nhất, là thể thống nhất vững chắc nhất, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển chung.
"Trường Kinh tế trong giai đoạn tới cần lột xác để phát triển, nhưng giữ được bản sắc, truyền thống, phải định vị được vị trí trong bản đồ đào tạo và công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội", PGS Thắng nhấn mạnh.
Như vậy, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 6 trường thành viên gồm: Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Hóa và Khoa học sự sống, Vật liệu, Kinh tế.
Về việc thành lập, tái cơ cấu 4 viện nghiên cứu, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, con đường phát triển của các việnrất cần sự đồng lòng, chia sẻ, đồng hành để tháo gỡ những khó khăn, tạo được sự đột phá.
“Chúng ta tìm tòi, sáng tạo con đường phát triển, dựa trên đặc thù, dựa trên cơ hội, thống nhất trong đa dạng, chia sẻ bản sắc riêng của mỗi viện nhưng trên một con tàu chung Đại học Bách khoa Hà Nội", PGS Thắng chia sẻ và mong muốn các thầy cô, cán bộ luôn đồng lòng, đồng làm, đồng hành động để phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội.
Song song với công bố nghị quyết thành lập, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng trao quyết định cho lãnh đạo các đơn vị tương ứng. Cụ thể:
- Trường Kinh tế: PGS.TS Nguyễn Danh Nguyên làm Hiệu trưởng, PGS.TS Đào Thanh Bình và PGS.TS Phạm Thị Kim Ngọc giữ chức Phó hiệu trưởng
- Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe: PGS.TS Trương Quốc Phong làm Viện trưởng, TS Nguyễn Phan Kiên, PGS.TS Trần Thượng Quảng giữ chức Phó viện trưởng.
- Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa: PGS.TS Nguyễn Quang Địch làm Viện trưởng, TS Phạm Quang Đăng giữ chức Phó viện trưởng.
- Viện Công nghệ Năng lượng: PGS.TS Đặng Trần Thọ làm Viện trưởng, TS Lê Kiều Hiệp, PGS.TS Phan Anh Tuấn giữ chức Phó viện trưởng.
- Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước: TS Đinh Tấn Hưng làm Viện trưởng, TS Hán Trọng Thanh giữ chức Phó viện trưởng.
Bình luận