Nhiều người cho rằng thịt lợn nạc phải ăn hơi tái mới giữ được hương vị ngon ngọt, lại không bị khô. Tuy nhiên, cách ăn này có thể khiến họ gặp nguy hiểm.
Vì sao thịt lợn cần được nấu chín kỹ trước khi ăn?
Người ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ có nguy cơ nhiễm sán dây rất cao. Chia sẻ trên Báo Sức khỏe & đời sống, TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho biết, hai loại sán dây thường gặp hiện nay là sán dây bò và ấu trùng sán dây lợn.
Ấu trùng sán dây lợn xâm nhập cơ thể do thói quen ăn thịt lợn nấu chưa chín kỹ hay các món nem chạo, nem thính, tiết canh. Khi xâm nhập cơ thể người, ấu trùng sán lợn sẽ chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn, đi khắp cơ thể và ký sinh ở não.
Có những trường hợp nang sán ký sinh ở cơ mà người dân hay gọi là sán cơ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu ấu trùng sán xâm nhập hệ thần kinh, bệnh nhân có thể mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nhiễm trùng não nghiêm trọng và có thể bị động kinh. Gần 1/3 số trường hợp động kinh là do nhiễm sán dây lợn.
Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục, đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên sẽ hút rất nhiều chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp nhiễm do thức ăn có lẫn trứng sán thì ấu trùng có thể vào não, mắt, cơ, da…, rất nguy hiểm. Sán làm tổ ở mắt có thể làm lồi nhãn cầu, gây lác mắt, bong võng mạc dẫn đến giảm thị lực, có thể bị mù. Khi sán chạy vào não, bệnh nhân có thể bị nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ.
Ngoài sán, việc ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ còn làm tăng nguy cơ nhiễm các loại mầm bệnh nguy hiểm sau:
Liên cầu lợn
Cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) lây truyền sang người khi chúng ta tiếp xúc với lợn bị nhiễm bệnh hoặc ăn phải thịt lợn bệnh còn tái. Đó là lý do vì sao thịt lợn cần được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Người bị nhiễm liên cầu lợn có các biểu hiện lâm sàng như: Viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và khớp. Tình trạng nặng có thể dẫn đến tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết.
Cầu khuẩn
Nếu ăn thịt lợn sống, không được nấu chín kỹ thì nguy cơ nhiễm khuẩn Yersinia ở đường ruột là rất cao.
Sán dây lợn
Thói quen ăn thịt tái sống, nem chua, tiết canh lợn là những nguyên nhân gây bệnh sán dây lợn ở người. Sán dây lợn lây nhiễm qua đường tiêu hóa do ăn phải ấu trùng sán có trong thịt lợn sống. Đây là lý do vì sao thịt lợn cần được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Ấu trùng phát triển thành ký sinh trùng trưởng thành ở ruột non, lây nhiễm cho người do ăn phải trứng sán dây lợn. Nếu không được điều trị, trứng sán phát triển thành nang kén, theo đường máu đến ký sinh ở da, hệ cơ vân, mắt, não, gây ra các bệnh khá nghiêm trọng cho người.
Sán lá phổi
Loại sán này ký sinh ở phúc mạc, dưới da, tinh hoàn…, về lâu dài gây ra các biến chứng về thần kinh như co giật, động kinh, nhức và thậm chí là liệt đầu. Sán lá phổi còn gây áp xe, ho ra máu, tràn dịch phổi. Những người thường xuyên ăn thịt lợn tái, sống dễ mắc các loại sán này.
Giun xoắn
Việc ăn thịt lợn chưa chín kỹ là nguyên nhân gây ra bệnh giun xoắn ở người. Loại ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào ruột, cơ và các cơ quan, tổ chức khác của người, gây ra các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, viêm cơ bắp, viêm cơ tim…
Do đó, bạn nên ăn thịt lợn đã nấu chín kỹ, không để lẫn lộn thịt lợn sống và chín, không dùng chung dụng cụ chế biến, rửa tay thật sạch trước và sau khi ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ngoài bệnh do ký sinh trùng, người ăn thịt tái, sống còn có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính, thường gặp nhất là thương hàn, tả, ngộ độc. Đó là lý do vì sao thịt lợn cần được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Bình luận