Xung đột Israel - Hamas leo thang, nguy cơ lan rộng ra ngoài khu vực Trung Đông. Giao tranh giữa hai bên đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân vô tội, trong đó có cả trẻ em và người già. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn, đàm phán về giải pháp hoà bình, chấm dứt xung đột.
Trả lời phỏng vấn VTC News, Cựu Đại sứ Việt Nam tại khu vực Trung Đông Nguyễn Quang Khai lý giải về giải pháp hai nhà nước. Trước hết, theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, giải pháp hai nhà nước là thành lập một nhà nước Palestine độc lập, tồn tại song song cùng nhà nước Israel - được thành lập năm 1948.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng có nhiều lý do về việc đến nay chưa thể thực thi giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập nhà nước Palestine độc lập.
Thứ nhất, chính sách chiếm đóng của nhà nước Israel. Trong cuộc chiến 1967, Israel chiếm các vùng đất dành cho người Palestine để thành lập nhà nước Palestine như Bờ Tây, Gaza, Đông Jerusalem, sau đó xây dựng khu định cư. Trong khi Chính phủ Israel do các thành phần cực hữu nắm quyền đã chủ trương bác giải pháp hai nhà nước. Do đó, liên tục nổ ra xung đột với các lực lượng của Palestine như Hamas, Fatah.
Thứ hai, Mỹ là nước đứng ra làm trung gian hoà giải xung đột giữa Israel và Palestine. "Tuy nhiên, Mỹ không thực hiện đúng vai trò của mình", Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định, thêm vào rằng Israel là đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Theo Đại sứ, khi ông Donald Trump lên cầm quyền, vị Tổng thống Mỹ đề ra thoả thuận thế kỷ cho xung đột Israel và Palestine, song thực chất là xoá bỏ nhà nước Palestine, do đó không thể thực hiện được. Hơn nữa, nội bộ Mỹ cũng mâu thuẫn do các quan điểm bất đồng liên quan đến ủng hộ lợi ích của Israel trong mâu thuẫn với Palestine.
Thứ ba, nội bộ các nước Ả Rập không thống nhất về tiến trình công nhận giải pháp 2 nhà nước Israel và Palestine. Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập 2002 đưa ra sáng kiến hoà bình Ả Rập với nội dung chính nhấn mạnh việc bình thường hoá các nước Ả Rập với Israel chỉ đạt được khi thành lập nhà nước Palestine độc lập. Tuy nhiên, nhiều nước Bahrain, Morocco, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ký thoả thuận hoà bình với Israel, bỏ qua thoả thuận cam kết hồi 2002.
Ngoài ra, vai trò Liên hợp quốc rất mờ nhạt trong vấn đề Israel và Palestine. Mặc dù Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an đã đưa ra được những nghị quyết đối với giải pháp hai nhà nước. Thế nhưng, Liên hợp quốc vẫn không có giải pháp gì để thúc đẩy, yêu cầu Israel thực hiện các nghị quyết này.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là ngừng bắn, các bên ngồi lại bàn đàm phán - vốn bị dừng vào năm 2014, để tìm ra giải pháp cho xung đột Israel - Palestine. Cơ sở giải pháp hai nhà nước đã có sẵn, dựa trên các nghị quyết Liên hợp quốc, thoả luận Oslo năm 1993 - thành lập nhà nước Palestine sau 5 năm (1999).
"Giải pháp hai nhà nước là giải pháp duy nhất để đem lại hoà bình, ổn định, an ninh cho Israel - Palestine và Trung Đông. Chừng nào chưa có nhà nước Palestine độc lập thì an ninh Israel không đảm bảo", Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho hay.
Nguồn cơn xung đột
Xung đột Israel - Palestine diễn ra suốt nhiều thập kỷ qua. Nguồn gốc của xung đột rất nghiêm trọng và phức tạp, trước cả khi nhà nước Israel thành lập. Cả Palestine và Israel đều coi các vùng lãnh thổ giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải là của riêng họ. Trong khi đó, người Cơ đốc giáo, người Do Thái và người Hồi giáo cùng nắm giữ các phần đất được coi là thánh địa linh thiêng ở đây.
Nhìn từ lịch sử, sau khi Đế chế Ottoman bị đánh bại trong Thế chiến thứ nhất, Anh đã giành được quyền kiểm soát Palestine - nơi sinh sống của người Ả Rập chiếm đa số và cộng đồng thiểu số Do Thái. Căng thẳng giữa hai nhóm người ngày càng gia tăng khi cộng đồng quốc tế giao cho Anh nhiệm vụ thành lập một "ngôi nhà quốc gia" cho người Do Thái ở Palestine. Trong những năm 1920 - 1940, số người Do Thái di cư đến Palestine gia tăng.
Năm 1947, Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua việc chia tách Palestine thành các nhà nước Do Thái và Ả Rập riêng rẽ, trong đó Jerusalem là thành phố nằm dưới sự quản lý của quốc tế. Lãnh đạo Do Thái chấp nhận, song phía Ả Rập nhất quyết bác bỏ, khiến kế hoạch này chưa bao giờ được hiện thực hóa.
Sau khi nhà cầm quyền Anh rời đi khi chưa thể chấm dứt xung đột vào năm năm 1948, giới lãnh đạo Do Thái lập tức tuyên bố thành lập nhà nước Israel. Tuy nhiên, người Palestine phản đối, dẫn đến bùng phát cuộc chiến sau đó. Các nước Ả Rập lân cận đã điều binh sĩ can thiệp.
Giao tranh kết thúc bằng lệnh ngừng bắn năm 1949, Israel đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Jordan chiếm vùng đất được gọi là Bờ Tây, trong khi Ai Cập kiểm soát dải Gaza. Còn Jerusalem bị chia cắt giữa lực lượng Israel ở phía tây và lực lượng Jordan ở phía đông.
Tuy nhiên, đụng độ trong khu vực tiếp diễn khi các bên không đạt được một thỏa thuận hòa bình. Năm 1967, Israel chiếm đóng Đông Jerusalem và Bờ Tây cũng như phần lớn Cao nguyên Golan của Syria, Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Hầu hết người tị nạn Palestine cư trú ở Gaza, Bờ Tây và các nước láng giềng như Jordan, Syria và Lebanon. Israel không cho phép họ trở về quê hương, với lí do điều đó sẽ đe dọa sự tồn tại của nhà nước Do Thái.
Đáng chú ý, năm 1987, Sheikh Ahmed Yassin, giáo sĩ Palestine đã thành lập tổ chức chính trị có vũ trang Harakat al-Muqawama al-Islamiya (Phong trào kháng chiến Hồi giáo), gọi tắt là Hamas - nhánh thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo xuyên quốc gia của người Hồi giáo Sunni. Hai năm sau, Hamas thực hiện vụ tấn công vào loạt mục tiêu quân sự Israel.
Hiệp định Oslo đầu tiên nhằm thiết lập hòa bình giữa Israel - Palestine được ký kết vào năm 1993. Tuy nhiên, Hamas phản đối tiến trình hòa bình và tìm cách làm nó chệch hướng bằng các vụ đánh bom xe buýt, nổ súng tấn công ở Israel.
Israel - Palestine không đạt được thỏa thuận cuối cùng trong tiến trình hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ vào năm 2000. Trong năm 2001 - 2002, Hamas thực hiện loạt vụ đánh bom liều chết ở Israel và sau đó là đòn đáp trả của Israel.
Israel bắt đầu đơn phương rút quân khỏi dải Gaza vào năm 2005, để khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Palestine. Hamas giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine một năm sau đó. Israel và Mỹ cắt viện trợ cho người Palestine vì nhóm không chịu từ bỏ bạo lực và công nhận nhà nước Do Thái.
Kể từ khi Israel rút quân khỏi dải Gaza năm 2005, giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine, bao gồm Hamas và Jihad đã xảy ra nhiều lần xung đột với mức độ khác nhau.
Trước cuộc xung đột hiện nay, giữa Israel và Hamas đã xảy ra 4 lần đụng độ vào các năm: 2008, 2012, 2014 và 2021. Cuộc xung đột đẫm máu nhất là năm 2014, kéo dài 7 tuần, khiến hơn 2.000 người Palestine và 74 người Israel (trong đó có 68 binh sĩ) thiệt mạng.
Hamas đã giành quyền kiểm soát khu vực dải Gaza từ năm 2007 từ phong trào Fatah trong cuộc bầu cử quốc hội. Fatah và Hamas là hai phong trào có vai trò chủ đạo ở Palestine, nhưng mỗi bên lại theo đuổi lập trường khác nhau trong vấn đề Israel cho dù đều nhắm tới đích thành lập một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967. Điều này dẫn đến việc không thể ngăn chặn xung đột xảy ra thường xuyên giữa Hamas và Israel với quy mô và mức độ khác nhau.
Lời giải cho xung đột
Trong những năm qua, nhiều cuộc đàm phán hòa bình đã diễn ra song căng thẳng giữa người Israel và người Palestine chưa bao giờ lắng dịu. Hai bên hiện vẫn bất đồng về hàng loạt vấn đề như số phận của người tị nạn Palestine, các khu định cư Do Thái, quyền kiểm soát Jerusalem,… đặc biệt là việc có nên thành lập một nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh Israel hay không.
Israel vẫn kiểm soát Bờ Tây, song tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, trong khi người Palestine khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Israel đã xây dựng các khu định cư ở những vùng này, quy tụ tới hơn 600.000 người Do Thái sinh sống trong 50 năm qua. Liên hợp quốc coi các khu định cư này là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, tuy nhiên, phía Israel phủ nhận quan điểm này.
Trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas leo thang, giải pháp hai nhà nước đang được quan tâm và nhắc đến trở lại, không chỉ trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở phương Tây mà còn ở chính các bên tham chiến.
Việc các bên mong muốn hồi sinh giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại độc lập phản ánh thực trạng là các bên liên quan đang bế tắc, không thể tìm ra bất kỳ giải pháp thay thế nào khả thi khác.
Cao uỷ phụ trách an ninh và đối ngoại châu Âu Josep Borrell mới đây nhấn mạnh “giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất cho nền hoà bình giữa Israel và Palestine”. Ông cho rằng sự kiện ngày 7/10 là lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới trong việc cần tiếp tục những nỗ lực xây dựng nền hoà bình cho cả Israel và Palestine để không tái diễn như thảm kịch.
Trung Quốc cho rằng, các cuộc đụng độ tiếp diễn giữa người Palestine và Israel cho thấy tiến trình hòa bình ở Trung Đông đang trì trệ và thiếu bền vững. Bắc Kinh kêu gọi thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel để đạt được một nền hòa bình lâu dài.
Cùng quan điểm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva tái khẳng định quan điểm ủng hộ chấm dứt xung đột kéo dài 75 năm thông qua giải pháp chính trị- ngoại giao và thiết lập tiến trình đàm phán toàn diện về cơ sở pháp lý quốc tế liên quan đến việc thành lập nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Theo cựu Chánh Văn phòng thủ tướng Israel Gilead Sher - trưởng đoàn đàm phán của Israel với Palestine vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, ngoại giao sẽ giúp hai bên xác định kế hoạch từng bước một cho một tiến trình chung sống của hai nhà nước.
Hiện vẫn tồn tại nhiều trở ngại cho giải pháp hai nhà nước, đặc biệt là sự gia tăng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây - điều mà người Palestine cho rằng đang cản trở quá trình thành lập một nhà nước Palestine ở đây. Trong khi đó, sự trỗi dậy của những nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Israel thời gian gần đây càng làm phức tạp thêm tình hình. Các nhóm này phản đối việc thiết lập nhà nước của người Palestine và ủng hộ sáp nhập Bờ Tây hoàn toàn vào Israel.
Sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, nhiều người Palestine cho rằng triển vọng thành lập nhà nước của riêng họ dường như càng trở nên xa vời hơn. Song, một số người Palestine lạc quan tin rằng cú sốc từ đòn tấn công của Hamas sẽ khiến người Israel nhận ra rằng không thể giải quyết xung đột với người Palestine mà không quan tâm tới khát vọng độc lập chính trị của người Palestine.
Giám đốc tổ chức Liên minh Hòa bình Palestine Nidal Foqaha cho hay: “Những gì xảy ra vào ngày 7/10 sẽ thúc đẩy các bên tính đến giải pháp hai nhà nước. Thế nhưng, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, đây là một nhiệm vụ bất khả thi”.
Bình luận