• Zalo

V-League muốn tồn tại: Phải tái cơ cấu tài chính

Thể thaoThứ Hai, 09/07/2012 08:18:00 +07:00Google News

Nếu không thay đổi cách trả lương, thưởng và đặc biệt là tiền lót tay như hiện nay không sớm thì muộn V.League sẽ suy sụp không thể gượng dậy nổi.




Nếu không thay đổi cách trả lương, thưởng và đặc biệt là tiền lót tay như hiện nay không sớm thì muộn V.League sẽ suy sụp không thể gượng dậy nổi. Sự thay đổi này không chỉ đến từ các ông bầu mà còn phải có sự chia sẻ từ các cầu thủ, HLV bởi một khi con thuyền V.League chìm thì chính họ cũng không thoát được.

Lót tay khủng là con quái vật

Các ông bầu khi nhảy vào chơi bóng đá vì ăn xổi đã đẻ ra cái gọi là “tiền lót tay” nhằm lôi kéo cầu thủ. Một số ông bầu không biết rằng họ đã đẻ ra một “con quái vật” và sau một thời gian con quái vật này quay lại cắn xé họ không thương tiếc.

Tiền lót tay cực khủng cho cầu thủ khi ký hợp đồng là thứ chỉ tồn tại ở BĐVN. Nó trái với quy luật xã hội khi cầu thủ chưa lao động (thi đấu) nhưng lại nhận trước thù lao quá lớn và trở thành nguồn thu nhập chính của họ chứ không phải là lương.

Mặt phải của tiền lót tay chỉ kích thích cầu thủ nỗ lực một thời gian ngắn nhưng hậu quả là tạo ra đủ thứ mánh khóe (giữ chân, eo sách, bị lôi kéo…) để được ký HĐ hoặc tìm cách đi CLB khác nhiều tiền hơn. Về lâu dài, tiền lót tay làm cầu thủ mất động lực phấn đấu lẫn năng lực thi đấu khi cầu thủ cầm trước khoản tiền lớn trong tay. Xung quanh tiền lót tay cũng đầy rẫy tiêu cực về chuyện phầm trăm lại quả, cắt xén, chia chác của bộ phận HLV, GĐĐH, lãnh đội CLB.

Tiền lót tay nhiều lúc là thu nhập chính của các cầu thủ tại V-League


Quy luật tài chính của các nền bóng đá chuyên nghiệp thu nhập chính của cầu thủ, HLV đều từ lương (nếu cầu thủ, HLV nổi tiếng thì quảng cáo cũng là nguồn thu quan trọng). Lương của cầu thủ được tính bằng năm, trả hằng tháng. Cách tính lương theo tuần chỉ là cách chia của báo chí (tổng lương 1 năm chia cho 52 tuần) khiến cho nhiều người ở Việt Nam hiểu nhầm.

Ví dụ: Kaka khi chuyển từ Milan về Real nhận lương 12 triệu euro/năm (125.000 euro/tuần) còn phí chuyển nhượng 65 triệu euro chảy vào tài khoản Milan. Thông thường khi ký HĐ cũng có % hoa hồng cho cầu thủ nhưng họ số tiền họ hưởng rất nhỏ mang tính tượng trưng. Chỉ có % cho người môi giới hay người đại diện là đáng kể (vài trăm ngàn hoặc cả triệu USD/phi vụ) như một cách trả công xứng đáng vì đã giúp cho thân chủ có HĐ hậu hĩnh và cũng vì lý do khác là người môi giới không có… tiền lương.

Với cầu thủ tự do được CLB có thể % hoa hồng của họ sẽ cao hơn chút đỉnh (như 2 tháng lương) nhưng thu nhập chính vẫn là đến từ lương như trường hợp của Montolivio nhận được 2,5 triệu euro/năm khi chuyển từ Fiorentina đến Milan.


V.League phải tái cơ cấu lại tài chính


Cầu thủ bóng đá thuộc dạng lao động đặc biệt nên thu nhập cao hơn mặt bằng xã hội là chuyện bình thường. Điều không bình thường ở đây là rất nhiều cầu thủ ở V.League nhận lương 30 đến 50 triệu/tháng nhưng lại cầm lót tay đến cả 1-2 tỷ/năm, chưa kể tiền thưởng.


Bầu Kiên chi 13 tỉ để mua Công Vinh?

Gánh nặng lót tay khủng thoạt đầu bình thường khi các ông bầu còn rủng rỉnh tiền nhưng càng về sau nó sẽ phình to, đè nghẹt thở các ông chủ doanh nghiệp bởi vượt quá mức chịu đựng hay khi kinh tế khủng hoảng.

Thực tế BĐVN trong 1 năm qua đã chứng minh điều này.


Để các CLB V.League không đắm hàng loạt, các ông bầu không còn cách nào khác phải bỏ lót tay khủng cho nhưng bù đắp lại bằng cách tăng lương cho cầu thủ lên 1/2 hoặc gấp đôi, gấp ba. Ví dụ lương của cầu thủ dạng đặc biệt như Lê Công Vinh từ 70 triệu/tháng tăng thành 200 triệu/tháng (2,4 tỷ đồng/năm) để đảm bảo con số này thấp hơn lương 840 triệu/năm + 3 tỷ lót tay/mùa = 3 tỷ 840 triệu đồng/năm như cách tính hiện tại.


Về phía các cầu thủ dù trước mắt chịu một số thiệt hại nhưng đó là điều họ phải biết chấp nhận, chia sẻ với các ông bầu. Nếu một số doanh nghiệp bỏ bóng đá như kiểu Hòa Phát Hà Nội rất dễ dẫn đến khả năng V.League phá sản dây chuyền thì khả năng thất nghiệp của cầu thủ rất cao.

Bên cạnh đó, các cầu thủ cần chuẩn bị hành trang pháp lý vững vàng hoặc có người đại diện, tư vấn chuyên nghiệp bởi bản hợp đồng mới sẽ phức tạp hơn nhiều mà nếu không chú ý rất dễ bị phía CLB ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi.


Thưởng có ba-rem, làm nổi không VPF ?

Tổng kết mùa giải năm ngoái, trong phát biểu “nổ như bom” bầu Kiên có nói đến việc các CLB vung tay thưởng vô tội vạ cũng góp phần khiến V.League lạm phát quá mức. Ý kiến của ông chủ ngân hàng ACB các CLB phải đăng ký mức thưởng ngay từ đầu mùa theo ba-rem là rất chuẩn.

Thực tế ở V.League 2012 ngoài đội HN.ACB hầu hết các đội khác cũng có mức khung thưởng quy định nhưng các ông bầu khi “sướng” lên thưởng tùy hứng như ở HN.T&T, V.NB, SG.XT, K.KG…


Rõ ràng thách thức lớn nhất của BĐVN là những người tham gia vào cuộc chơi này vẫn thích mạnh ai nấy chạy, đèn nhà ai nấy rạng thay vì cùng nhìn vào cái chung. Ngay cả chuyện rất nhỏ là đặt ba-rem khung thưởng mà V.League làm không được thì chuyện lớn hơn như thống nhất bỏ lót tay dễ gì giải quyết.

Chỉ hy vọng lần nay khi các doanh nghiệp đều thấm đòn do khủng hoảng thì họ biết cùng xắn tay tự cứu lấy mình.




Đăng Khoa (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn