Đã nhiều năm, ngành văn không còn là sự lựa chọn từ học sinh và phụ huynh khi thi vào đại học. Môn văn trong trường học cũng không hấp dẫn học sinh, thầy giáo dạy văn nghèo vì không có diều kiện dạy thêm được như thầy giáo các môn tự nhiên, ngoại ngữ.
Học văn ra trường khó tìm việc, nếu có việc thì thu nhập cò con, không như các ngành kinh tế, công nghệ thông tin và nhiều ngành khác.
Cùng với sự thua thiệt mang yếu tố kinh tế này, từ lâu, người ta dạy văn như dạy môn giáo dục công dân, cho nên học sinh chán ngán, sợ môn văn, thậm chí coi thường môn văn. Nay, Bộ GDĐT cho miễn thi môn văn khi thi vào các trường ngệ thuật cũng là cách để “giúp” cho học sinh xem thường môn văn ở cấp độ cao hơn. Bộ cho rằng không thi nhưng lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT, nhưng thật khó lòng để đảm bảo chất lượng thực sự của các bảng điểm.Thí sinh dự thi môn năng khiếu
Mỗi trường, địa phương cho điểm môn văn khác nhau, chất lượng của học sinh ở từng vùng khác nhau, nên bảng điểm mà các em có được trong từng năm học không phản ánh đúng trình độ chung thuộc mặt bằng cả nước. Cho nên, nếu không thi cử nghiêm túc, chỉ lấy bảng điểm ở trường học là không chính xác và không công bằng.
Nhưng còn điều quan trọng hơn, đó là nhận thức chưa đúng đắn về việc đánh giá tầm quan trọng trong mối quan hệ của văn học với nghệ thuật. Đúng ra, đối với các ngành học nghệ thuật, môn văn phải là một môn thi chính để tuyển chọn đầu vào.
Sẽ không thể có con người làm nghệ thuật có chất lượng, có văn hóa nếu như không có văn. Chúng ta chứng kiến quá nhiều trường hợp người hoạt động trong ngành nghệ thuật nhưng rất thiếu văn hóa, đó là sản phẩm của những lò đào tạo ra các thợ hát, thợ đóng phim vô hồn - vô cảm.
Các phát ngôn và hành động của nhiều nghệ sĩ hay người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thời trang, giải trí, sân khấu, điện ảnh gây sốc cho cộng đồng nhưng họ vẫn không hiểu chính mình đã làm điều gì. Xin dẫn chứng, một người mẫu nội y nói về tình yêu: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”; một siêu mẫu khác: “Phụ nữ không dùng hàng hiệu coi như không có tương lai”, một người đẹp trong giới showbiz Việt nói giọng sặc mùi xã hội đen: “Ai động vào nhà tôi là tôi đấm vào mồm ngay”. Còn áo quần diêm dúa, khoe hàng, khóa môi… thì không kể hết. Vì sao vậy? Xin trả lời ngắn là: Thiếu văn.
Thị trường Việt Nam nhiều “siêu sao” ca nhạc nhưng thiếu nghệ sĩ đích thực, nhiều “siêu sao” điện ảnh nhưng thiếu diễn viên thủ đúng vai diễn; nhiều gallery nhưng thiếu họa sĩ. Đó là vì chúng ta đang có một nền nghệ thuật thiếu văn.
Vì thế cho nên, kính mong Bộ GDĐT đừng đuổi văn học ra khỏi cổng trường nghệ thuật nữa.
Theo Lao Động
Bình luận