Đối tượng tham gia chương trình “Tìm kiếm đại sứ E-Learning Việt Nam” là tất cả công dân Việt Nam trên 18 tuổi, có kiến thức và kỹ năng tốt về một môn học, một lĩnh vực bất kỳ trong xã hội, đều có thể tham gia chương trình và có cơ hội trở thành một trong năm Đại sứ E-Learning Việt Nam.
Đặc biệt, giải thưởng dành cho mỗi đại sứ lên đến 500 triệu đồng bao gồm: 100 triệu đồng tiền mặt và 400 triệu đồng được quy thành gói hỗ trợ phát triển tài năng.
Trong đó, gói phát triển tài năng dành cho người thắng cuộc bao gồm những hạng mục sau: sử dụng nền tảng website chuyên nghiệp bán khóa học trọn đời (giá niêm yết 6 triệu/năm), sử dụng phần mềm soạn giảng E-Learning Avina Authoring Tools Pro trọn đời (giá niêm yết 10 triệu/phần mềm).
Các bài giảng của người thắng cuộc sẽ được sản xuất, thiết kế dưới dạng bài giảng trực tuyến tại studio theo tiêu chuẩn quốc tế (gói chuyên nghiệp giá 3 triệu/phút), và Ban tổ chức sẽ hỗ trợ truyền thông marketing thương hiệu cá nhân đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chương trình “Tìm kiếm Đại sứ E-Learning Việt Nam” được phát động với mục đích khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, hoặc có đam mê và mong muốn phát triển trong lĩnh vực đào tạo, tận dụng khoa học công nghệ hiện đại vào giảng dạy nhằm tạo ra các khóa học trực tuyến sinh động, hiệu quả không kém các khóa học truyền thống.
Từ đó, khẳng định bản thân và lan tỏa tri thức của mình đến những người học trên khắp mọi miền đất nước, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dạy và người học.
E–learning vốn đã khá phổ biến ở các nước phát triển: Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… và thực tế đã cho thấy phương pháp học tập này rất hiệu quả. Theo Cyber Universities, gần 90% trường đại học tại Singapore sử dụng phương pháp đào tạo trực tuyến, ở Mỹ con số này là hơn 80%.
Ở Hàn Quốc, người ta sử dụng E-Learning với mục đích làm cho giáo dục linh hoạt hơn và công bằng hơn với tất cả mọi người, đồng thời cắt giảm chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi.
Việt Nam tuy là quốc gia có nền kinh tế phát triển còn cách xa Hàn Quốc và Singapore, song theo số liệu mới nhất của WeareSocial và Hootsuite 2019 thì Việt Nam có đến 65,9% dân số sử dụng internet, điều này cho thấy Việt Nam bắt nhịp với xu hướng công nghệ toàn cầu rất nhanh, vì thế triển vọng trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến là rất tươi sáng.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch Tập đoàn Hương Việt - giám khảo cuộc thi cho biết: “Tôi và các cộng sự của mình đã kiên trì với con đường phát triển công nghệ phục vụ cho giáo dục hơn 10 năm qua, và tôi thật sự cảm thấy rất phấn khởi bởi những khởi sắc của ngành giáo dục hiện nay, đặc biệt là việc công nghệ ngày càng tiến sâu và gần gũi với người dạy và người học.
Đây là thời điểm vàng để chúng ta biến mô hình E-Learning trở nên phổ biến rộng khắp Việt Nam, bổ trợ cho các hình thức giáo dục truyền thống bấy lâu”.
Ứng viên gửi thông tin và bài dự thi về Ban tổ chức qua website: www.daisuelearningvietnam.com
Bình luận