(VTC News) - Cục Ngư nghiệp Nam Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 11/3 xác nhận, các tàu ngư chính số 310 và 301 cùng loạt tàu khác của nước này đang thực hiện nhiệm vụ ‘bảo vệ quyền lợi ngư trường’ ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam.
Cục Ngư nghiệp Nam Hải nói rằng thời gian sau Tết Nguyên đán là nhiều ngư dân ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc bắt đầu đánh bắt cá ở ‘ngư trường truyền thống’, trong đó có vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tàu hải giám Trung Quốc - Ảnh: chinadaily |
Từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp và Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc đã điều nhiều tàu và nhân sự tới thực hiện nhiệm vụ ‘duy trì trật tự, tuần tra’ ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.
Mạng tin tức Nam Hải của Trung Quốc nói tàu cá Trung Quốc sẽ đánh bắt quy mô lớn ở nơi được nói là 'ngư trường truyền thống'. Năm ngoái, Trung Quốc xua hơn 30 tàu cá cùng Ngư chính 310 tới đánh bắt trái phép ở Trường Sa, nhưng ngư dân trở về tay trắng.
Ông Lưu Quế Mậu, đại diện Cục ngư chính Nam Hải Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, cơ quan này đã điều 21 tàu ngư chính cỡ vừa và lớn cùng hơn 3.000 nhân sự tới thực hiện cái gọi là 'duy trì pháp luật' ở Nam Hải (Biển Đông).
Dự kiến, loạt tàu ngư chính và nhận sự Trung Quốc sẽ lưu lại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam gần 2 tuần.
Trước đó, ngày 28/2, các tàu Hải tuần 21, Hải tuần 31 và Hải tuần 166 xuất phát từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, để ra Biển Đông thực hiện cái gọi là "nhiệm vụ tuần tra định kỳ".
Đây là cuộc tuần tra thứ hai của Trung Quốc, sau khi hai tàu khác rời Quảng Châu bắt đầu nhiệm vụ "tuần tra thường xuyên" trên Biển Đông hôm 20/2.
Ngày 7/3 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.
Trong diễn biến liên quan, ngày 10/3, chính phủ Trung Quốc tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc nội các lớn nhất từ năm 1998, theo đó hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật trên biển, giải thể Bộ Đường sắt, lập một số siêu bộ…
Theo đó, Cục Hải dương Nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên lãnh thổ, hiện quản lý lực lượng giám sát biển - hải giám, sẽ nắm quyền quản lý cả lực lượng cảnh sát biển - hải cảnh (Bộ Công an), tuần tra hàng hải - hải tuần (Bộ GTVT), thực thi pháp luật ngư nghiệp - ngư chính (Bộ Nông nghiệp), chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).
Việc hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhằm “đảm bảo quyền lợi quốc gia”, trong bối cảnh “hiệu quả thực thi pháp luật và năng lực bảo vệ quyền lợi không cao”, Ủy viên Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc, ông Mã Khải, phát biểu tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.
Đỗ Hường
Bình luận