Tờ Bưu điện buổi sáng Hoa Nam (SCMP) đưa tin, trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây đã xuất hiện thêm những hình ảnh về tàu sân bay Phúc Kiến, cho thấy siêu tàu sân bay dài 316 m này tiến một bước gần hơn tới việc trở thành một công cụ chiến đấu thực sự.
Các chuyên gia quân sự nhận định, tốc độ tiến triển cho thấy, tàu Phúc Kiến đã sẵn sàng thử nghiệm hệ thống phóng máy bay và sẽ được bàn giao cho hải quân Trung Quốc vào năm 2025 đúng như dự kiến.
Trong một hình ảnh được đăng tải hồi đầu tuần, nắp của cả ba máy phóng điện từ tiên tiến trên boong tàu Phúc Kiến đã được gỡ bỏ, lần đầu tiên mang đến cho người ngoài cái nhìn thoáng qua về toàn bộ hệ thống phóng máy bay của nó.
Một trong những tấm che cũng được cho là đã được gỡ bỏ khoảng hai tháng trước, cho thấy các cuộc thử nghiệm cất cánh sắp diễn ra.
Song Zhongping, cựu giảng viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cho biết: “Việc loại bỏ tất cả các lớp vỏ bảo vệ có nghĩa là công việc gỡ lỗi của máy phóng điện từ đã hoàn thành, cho phép hệ thống phóng máy bay hoạt động trong quá trình thử nghiệm trên biển”.
Những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cuối tuần qua cũng cho thấy khói bốc ra từ ống khói của tàu, điều này có nghĩa các cuộc thử nghiệm chuyên sâu đối với hệ thống động cơ chính và các thiết bị khác đang được tiến hành.
Theo chuyên gia Song, các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên sẽ chỉ diễn ra ở vùng biển gần bờ và quá trình này có thể kéo dài ít nhất một năm, sau đó đến giai đoạn thử nghiệm với các hệ thống vũ khí và thiết bị cụ thể.
“Các cuộc thử nghiệm trên biển sẽ chủ yếu tập trung vào việc thử nghiệm hệ thống đẩy, dẫn đường và liên lạc của tàu sân bay, sau đó nó có thể bước sang giai đoạn thứ hai để trải qua thử nghiệm các thiết bị khác trên tàu”, ông Song nói.
Lu Li-shih, cựu giảng viên tại học viện hải quân Đài Loan ở Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc), cho biết ông chờ đợi tàu Phúc Kiến sẽ thử nghiệm J-15T, máy bay chiến đấu loại máy phóng hoạt động trên tàu sân bay.
“Việc loại bỏ các tấm che có nghĩa là các máy phóng điện từ đã sẵn sàng để phóng J-15T, bởi hệ thống phóng không phải là điều gì mới mẻ đối với quân đội Trung Quốc”, ông Lu cho hay.
Ông Lu cho biết thêm, các bức ảnh vệ tinh từ căn cứ huấn luyện của hải quân Trung Quốc gần Hưng Thành, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, cho thấy quân đội nước này đã trải qua huấn luyện mô phỏng các hoạt động cất và hạ cánh J-15T từ hệ thống máy phóng trên đất liền kể từ năm 2016.
J-15T là phiên bản nâng cấp từ J-15 “Cá mập bay” (Flying Shark), máy bay thế hệ thứ 4 và là máy bay chiến đấu duy nhất được trang bị trên tàu sân bay của Trung Quốc.
J-15 ban đầu hiện đang sử dụng trên hai tàu sân bay đang hoạt động của Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông. Tàu Liêu Ninh là một tàu Liên Xô cũ được tân trang lại để trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, trong khi tàu Sơn Đông là tàu đầu tiên do Trung Quốc tự đóng. Cả 2 đều có đường dốc trượt cất cánh kém tiên tiến hơn dựa trên mẫu thiết kế của Nga.
Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới hoạt động trên tàu sân bay để có thể cạnh tranh với máy bay phản lực F-35C của Hải quân Mỹ.
Tàu sân bay Phúc Kiến ban đầu có ba máy phóng thông thường chạy bằng hơi nước, vì Trung Quốc không có lò phản ứng hạt nhân trên tàu như tất cả các tàu sân bay Mỹ đều có. Tuy nhiên, thiết kế đã được thay đổi vào năm 2017 sau quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thay vì máy phóng hơi nước, tàu Phúc Kiến sau đó được trang bị hệ thống đẩy tích hợp mới có khả năng cung cấp năng lượng cho các hệ thống phóng điện từ tiên tiến. Đây cũng là tàu sân bay thứ hai trên thế giới sử dụng hệ thống máy phóng điện từ, sau tàu sân bay Gerald R. Ford chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ.
Tàu Phúc Kiến có độ choán nước khoảng tối đa khoảng hơn 85.000 tấn, tuy không lớn bằng tàu Ford của Mỹ (100.000 tấn) nhưng lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh (67.500 tấn) và Sơn Đông (70.000 tấn).
Được hạ thủy vào tháng 6/2022, tàu sân bay Phúc Kiến đã trải qua các cuộc thử nghiệm neo đậu và động cơ kể từ tháng 3/2023 tại xưởng đóng tàu Thượng Hải, nơi nó được chế tạo. Các bức ảnh trên mạng xã hội vào tháng 7 cho thấy một loạt hệ thống radar đã được lắp đặt trên đảo tháp điều khiển của tàu.
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng cho biết tàu Phúc Kiến sẽ cần phải trải qua một đợt đánh giá thiết bị vận hành cụ thể khác sau các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên. Điều này sẽ bao gồm việc kiểm tra khả năng kiểm soát sự cố, ống nhiên liệu, mạch điện, thông tin liên lạc, radar và sonar cũng như các hệ thống khác.
“Nếu không có vấn đề gì, con tàu sẽ được bàn giao cho hải quân Trung Quốc vào năm 2025 theo đúng kế hoạch”, ông Zhou nói.
Bình luận