Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển một thế hệ tên lửa chống hạm siêu thanh bay xa và nhanh hơn. Điều khiến loại vũ khí này trở nên đặc biệt nằm ở khả năng tấn công mục tiêu từ dưới mặt nước.
Thế hệ tên lửa siêu thanh mới của Trung Quốc có chiều dài cơ sở khoảng 5 m, có vận tốc bay tối đa gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh với trần bay trên 10.000 m. Tầm bắn của loại vũ khí này dự kiến vào khoảng 200 km.
Ở trong pha cuối của hành trình bay, cách mục tiêu 20km, tên lửa sẽ hạ độ cao bay thấp xuống sát mặt biển. Đến khoảng cách 10 km, tên lửa sẽ chuyển sang chế độ ngư lôi và di chuyển dưới mặt nước với vận tốc lên 200 hải lý/giờ nhờ vào công nghệ siêu khoang với việc tạo một “bóng khí lớn” bao phủ toàn bộ tên lửa. “Quả bóng khí” bao bọc thân tên lửa cho phép giảm ma sát tác động của môi trường nước và cho phép nó di chuyển với vận tốc cao.
Ngoài các tính năng được nhắc đến ở trên, tên lửa siêu thanh của Trung Quốc cũng có thể di chuyển xuống độ sâu hơn 100 m để tránh các hệ thống phòng vệ trên tàu chiến đối phương hoặc thay đổi mục tiêu tấn công ngay trong pha cuối.
Ông Li Pengfei - Trưởng nhóm nghiên cứu tên lửa siêu thanh lai ngư lôi cho biết không có hệ thống phòng thủ nào trên các thế hệ tàu chiến hiện nay có thể đánh chặn một mẫu tên lửa nhanh đến như vậy từ bên dưới mặt nước. Điều này tăng đáng kể khả năng tiêu diệt mục tiêu của vũ khí.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà phát triển Trung Quốc là hệ thống cấp năng lượng cho tên lửa khi nó chuyển sang chế độ ngư lôi. Nhóm nghiên cứu của Li Pengfei đã quyết định sử dụng vật liệu boron - một nguyên tố nhẹ phản ứng cực mạn khi tiếp xúc với cả nước và không khí, giải phóng một lượng nhiệt rất lớn.
Đề án phát triển tên lửa siêu thanh lai ngư lôi của nhóm Li Pengfei được thực hiện tại trường cao đẳng khoa học hàng không và kỹ thuật thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Bản thiết kế của tên lửa này cũng đã được đăng tải trên Tạp chí công nghệ Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ra số ngày 8/9.
Boron từng được không quân Mỹ bổ sung vào nhiên liệu máy bay, giúp gia tăng sức mạnh cho các oanh tạc cơ siêu thanh vào những năm 1950. Nhưng dự án bị hủy bỏ vì các hạt boron bắt lửa trở nên khó kiểm soát và tạo thành một lớp mảnh vụn làm giảm dần hiệu suất của động cơ.
Cuộc đua vũ khí siêu vượt âm đã khơi gợi lại mối quan tâm đến boron trong những năm gần đây. Ví dụ Trung Quốc đã chế tạo thành công động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm (scramjet) sử dụng nhiên liệu rắn chứa các hạt nano boron để tăng vận tốc tên lửa lên gấp 5 lần tốc độ âm thanh, theo các dữ liệu công khai.
Quân đội Mỹ cũng có chương trình nghiên cứu tương tự. Một nghiên cứu của NASA do hải quân Mỹ tài trợ vào năm ngoái, phát hiện boron nitride, vật chất kết hợp của boron và nitơ, có thể cung cấp năng lượng cho vũ khí siêu thanh di chuyển với tốc độ trên 6.400 km/giờ.
Nhưng hầu hết các động cơ sử dụng boron đều được thiết kế để hoạt động trong không khí. Nhóm của ông Li Pengfei nói đã thiết kế động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) có thể hoạt động đồng thời cả trong môi trường nước và không khí.
Bước đột phá này nhờ vào các vật liệu chuyên dụng, thiết kế mới cũng như các nhà nghiên cứu đã tăng gấp đôi lượng boron trộn lẫn trong nhiên liệu.
Nhưng có rủi ro đối với Trung Quốc khi phụ thuộc vào nhiên liệu chứa boron cho vũ khí sản xuất hàng loạt, theo một nhà khoa học vật liệu ở Bắc Kinh.
Trung Quốc nhập khẩu khoảng một nửa lượng quặng boron từ nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ và đắt hơn nhôm khoảng 100 lần.
“Ngày càng có thêm những lo ngại rằng boron sẽ trở thành mục tiêu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ”, nhà nghiên cứu giấu tên nói trên SCMP.
Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ đáng kể về công nghệ chế tạo tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn trong những năm gần đây, bao gồm việc áp dụng nhiều lớp phủ trên các hạt nhiên liệu nano để kiềm chế các phản ứng gây nổ của chúng.
Năm ngoái, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã chế tạo và thử nghiệm một động cơ rộng 3,5 mét (11,5ft) tạo ra lực đẩy 500 tấn, động cơ tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo bằng cách sử dụng một phân đoạn thuốc phóng rắn duy nhất.
Và việc Học viện Khoa học Trung Quốc giới thiệu mẫu tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn dân dụng Lijian-1 với công nghệ điều khiển đốt tiên tiến một lần nữa cho thấy những bước tiến trong công nghệ chế tạo tên lửa của nước này. Lijian-1 có kích thước lớn gấp đôi DF-41, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động mạnh nhất của Trung Quốc.
Bình luận