Các đột biến tương tự gây kháng thuốc từng được tạo ra trong những nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, nhưng chưa từng được ghi nhận trước đó ở bệnh nhân điều trị bằng loại thuốc tiêm truyền này, hai nhà khoa học Shiv Gandhi, Akiko Iwasaki cùng các đồng nghiệp tại Khoa Y dược Đại học Yale cho biết, theo Bloomberg.
Bệnh nhân xuất hiện đột biến nói trên là một phụ nữ ở độ tuổi 70, đã được điều trị bệnh ung thư hạch không Hodgkin (còn gọi là U Lympho không Hodgkin), mắc bệnh Covid-19 vào tháng 5/2020.
Remdesivir giúp giảm bớt các triệu chứng ở bệnh nhân, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn virus. Tình trạng bệnh kéo dài trong nhiều tháng, gây ảnh hưởng đến khứu giác của bệnh nhân.
Phân tích di truyền của virus cho thấy nó tạo ra một đột biến trong quá trình điều trị, có vẻ như làm giảm hiệu quả của thuốc. Bệnh nhân sau đó được chữa khỏi bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng, giúp bà hồi phục khứu giác.
“Trong khi phát hiện này chỉ giới hạn ở một ca nhiễm đơn lẻ và đòi hỏi sự xác nhận từ kết quả tổng quát với số lượng bệnh nhân lớn hơn, nó có thể cho thấy Remdesivir có khả năng tạo áp lực chọn lọc trong các bệnh nhân để thúc đẩy sự tiến hóa của virus", các tác giả cho biết trong nghiên cứu - được công bố trên medRxiv trước khi trải qua bình duyệt và xuất bản.
Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện đột biến, được gọi là E802D, làm suy giảm khả năng sinh sản của virus SARS-CoV-2. Họ khẳng định ca nhiễm này là minh họa cho sự quan trọng của việc giám sát hiện tượng kháng thuốc Remdesivir và lợi ích tiềm tàng của sử dụng kết hợp các liệu pháp ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Bình luận