Ngày 11/10, Giải Nobel Hòa bình 2024 được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản. Đây là phong trào cơ sở của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki hồi Thế chiến II.
Jorgen Watne Frydnes, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, cho biết: "Những người sống sót "giúp chúng ta mô tả những điều không thể diễn tả, nghĩ những điều không thể nghĩ tới, bằng cách nào đó thấu hiểu được nỗi đau và sự khổ cực không thể tưởng tượng do vũ khí hạt nhân gây ra".
Ông Frydnes nói rằng ủy ban Nobel, khi vinh danh Nihon Hidankyo, mong muốn “vinh danh tất cả những người sống sót, những người bất chấp nỗi đau về thể xác và ký ức đau thương đã chọn cách sử dụng trải nghiệm đau thương của mình để vun đắp hy vọng”.
Ông chia sẻ thêm rằng “nỗ lực phi thường” của người sống sót sau cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ tại Nhật Bản, bao gồm cả những thành viên của tổ chức Nihon Hidankyo, “đã đóng góp rất lớn vào việc thiết lập điều cấm về vũ khí hạt nhân”. Ông nhấn mạnh điều đó giúp thế giới không sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh suốt 80 năm qua.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cũng bày tỏ lo ngại điều cấm này đang dần mờ nhạt những năm gần đây.
Giải thưởng Hòa bình được xem là giải Nobel danh giá nhất và người nhận giải thường là những nhân vật toàn cầu được tôn vinh, như Nelson Mandela, Malala Yousafzai, Tổng thống Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso.
Giải thưởng năm 2023 được trao cho Narges Mohammadi, một nhà hoạt động nhân quyền người Iran bị giam giữ vì đấu tranh dũng cảm chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran và thúc đẩy nhân quyền nói chung. Bà Mohammadi đã bị bắt 13 lần và kết án 5 lần với tổng án tù 31 năm.
Giải thưởng này, lần đầu tiên được trao vào năm 1901, từng được trao cho 30 tổ chức, bao gồm hai lần cho Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn và ba lần cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc nhận giải vào năm 2020.
Giải Nobel Hòa bình năm nay có 286 ứng cử viên, bao gồm 197 cá nhân và 89 tổ chức.
Bình luận