Tại buổi thảo luận ở tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 2024 diễn ra sáng nay (24/10), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, đây là thời điểm chín muồi thực hiện cải cách tiền lương bởi đó chính là hoạt động đầu tư cho phát triển.
Lương tăng chỉ đủ bù trượt giá
Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương đã thông qua Nghị quyết 27 từ năm 2018 nhưng những năm qua chưa thực hiện được.
Theo ông, thực tế, mỗi năm Nhà nước vẫn xem xét điều chỉnh lương nhưng mới chỉ ở mức bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương.
"Đây là thời điểm chín muồi để thực hiện cải cách căn bản tiền lương. Lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư cho sự phát triển. Hiện nay, cả nước đã chuẩn bị đủ các điều kiện để thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lấy ví dụ, lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất. Trong khi đó, nguyên lý chung, lương phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Do đó, cần thực hiện chuẩn lộ trình cải cách tiền lương đề ra lần này, cùng với đó là cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Ông cũng chỉ ra, nhiều doanh nghiệp Nhà nước hiện đối mặt tình trạng làm ăn thua lỗ và nghịch lý là công nhân thu nhập thấp nhưng lương người quản lý vẫn rất cao. Tới đây cần cải cách theo hướng Nhà nước không can thiệp thang bảng lương, để doanh nghiệp toàn quyền, chủ động xây dựng hệ thống lương thưởng của mình.
Bộ trưởng cho biết: "Cả nước bỏ hệ thống thang bảng lương hiện hành. "Bàn tay của Nhà nước" chỉ can thiệp ở việc ban hành mức lương tối thiểu".
Ngoài ra, tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý, cần kịp thời điều chỉnh cho người đang hưởng lương hưu, trợ cấp.
Ông chỉ rõ, dự kiến từ 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, lương cơ sở được bãi bỏ, trong khi thực tế những người nghỉ hưu đã thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội nhiều năm theo mức lương cơ sở.
Bộ trưởng đặt câu hỏi, vậy tới đây, người hưởng lương hưu, trợ cấp có được cải cách tiền lương? "Nếu không nâng mức hưởng lương hưu, vô hình chung sẽ để người hưu trí tụt lại phía sau, càng xa hơn so với thực tế đời sống xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tăng lương kiềm chế lạm phát
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, điểm nhấn 2024 là tăng lương theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Chính phủ đã xây dựng đề án cải cách tiền lương, đang chờ trình Quốc hội thông qua.
"Theo đề án này, lương của các bộ công chức và lực lượng liên quan sẽ tăng từ 1/7/2024. Vấn đề đi kèm với tăng lương là phải kiểm soát lạm phát. Có thể nhận thấy mỗi lần tăng lương, kể cả lương đối với người nghỉ hưu đều có tác động đến giá cả, lạm phát", bà Mai nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn chứng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê thì chỉ riêng năm 2023 (tính 4 tháng), có đến 32% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao. "Nếu tăng lương mà không kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của tăng lương không được bảo đảm", bà Mai nhận định.
Bà Mai cho rằng, cần phải tăng lương thực chất, không cào bằng. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn ở mức "chừng mực", tăng lương là cả cố gắng lớn.
"Theo Nghị quyết 27, khi lương tăng, công chức, viên chức không còn các khoản phụ cấp khác. Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần lưu ý, tính toán sao để khi không còn phụ cấp, người đang có thu nhập từ phụ cấp không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đi cùng với tăng lương phải là tinh giản biên chế, để làm sao bộ máy Nhà nước hoạt động thực sự hiệu quả", bà Mai nói.
Bình luận