Theo Bloomberg, khi các quốc gia trong khu vực tìm mọi cách đảm bảo có đủ than, khí đốt, dầu mazut để có điện thắp sáng và chạy máy điều hòa nhiệt độ, thì năng lượng của Nga ngày càng trở nên hấp dẫn cho dù bị phương Tây từ bỏ.
Ông John Driscoll, Giám đốc công ty JTD Energy Services tại Singapore cho biết: “Nơi tồi tệ nhất hiện nay trong bối cảnh nhiệt độ thiêu đốt như thế này là Nam Á, đặc biệt là các quốc gia nghèo như Pakistan hay Bangladesh”.
Số liệu từ công ty Kpler cho thấy lượng than và khí đốt tự nhiên mà Nga xuất khẩu sang châu Á trong năm nay đã tăng rõ rệt. Than và khí đốt tự nhiên thường được dùng để sản xuất điện.
Khối lượng than mà Nga xuất khẩu sang châu Á tăng mạnh lên 7,46 triệu tấn trong tháng 4, cao hơn khoảng 1/3 so với một năm trước đó.
Lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu sang châu Á cũng đã tăng lên trong những tháng gần đây sau khi giá giảm. Trước đó, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở mức cao kỷ lục khiến nhiều quốc gia nghèo không thể mua được loại nhiên liệu này.
Trong khi đó, trong tháng 3 và 4, lượng dầu mazut của Nga mà châu Á nhập khẩu tăng cao nhất trong hai tháng 3 và 4. Dầu mazut là một loại dầu thay thế dùng để sản xuất điện nhưng có hại cho môi trường hơn và rẻ hơn.
Ông Aniket Autade, nhà phân tích năng lượng tại công ty Rystad Energy, cho biết tại Ấn Độ, nhu cầu về điện trong bối cảnh nắng nóng có thể sẽ được đáp ứng chủ yếu bằng than đá.
Ngoài mua dầu giảm giá của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang mua nhiều than, khí đốt và dầu mazut nhất. Hai nước này đã chiếm hơn 2/3 lượng than của Nga xuất sang châu Á vào tháng trước. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đã chiếm 15% lượng xuất khẩu của Nga, còn Malaysia và Sri Lanka cũng mua một lượng đáng kể.
Đối với dầu mazut, Trung Quốc và Ấn Độ một lần nữa là những nước mua nhiều nhất từ Nga, còn Ả Rập Xê-Út và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng là những nhà nhập khẩu lớn.
Theo bà Emma Li, nhà phân tích của tại công ty Vortexa, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka có thể sẽ nhập khẩu thêm dầu nhiên liệu của Nga để sản xuất điện. Bà cho biết Trung Đông gần đây cũng đã tăng nhập khẩu và có thể sẽ tiếp tục xu hướng này trong mùa hè.
Trong tháng 5, Pakistan cho biết họ muốn thanh toán tiền nhập khẩu dầu Nga bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Quốc gia này đã đặt một lô hàng dầu thô, nhưng rất muốn có một thỏa thuận dài hạn để mua dầu thô bằng đồng tiền Trung Quốc.
Theo ông Chris Wilkinson, nhà phân tích cấp cao về năng lượng tái tạo tại công ty Rystad, ngay cả Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ và do đó không muốn tăng nhập khẩu từ Nga, cũng có thể tăng cường mua trong giới hạn hợp đồng. Ông nói: “Nhật Bản có thể xem xét mua thêm LNG từ Nga theo các hợp đồng dài hạn hiện có, vì tiết kiệm chi phí hơn so với mua trên thị trường giao ngay”.
Theo ông Driscoll tại công ty JTD Energy, việc nhiều quốc gia châu Á ngày càng tăng mua năng lượng của Nga, nhất là các nước nghèo, cho thấy họ có thể chấp nhận nguy cơ làm mất lòng Mỹ để mua năng lượng giá rẻ.
Có thể thấy châu Á ngày càng phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ của Nga khi mà năm 2023 có thể là năm nóng nhất lịch sử.
Khu vực châu Á đang xuất hiện hiện tượng thời tiết El Nino và làm nhiệt độ tăng vọt ở nhiều nơi. Một số nước đã cảnh báo về tình trạng thiếu điện trong tháng này, trong khi Myanmar đang phải chật vật với tình trạng mất điện ngày càng trầm trọng.
Xu hướng mua năng lượng Nga tại châu Á có thể tiếp tục trong mùa hè năm nay khi ngày 3/5, Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ ngày càng cao hiện tượng El Nino sẽ diễn ra trong vài tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao và có thể sẽ dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đánh giá khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 là 60% và cuối tháng 9 là 80%. Hiện tượng này sẽ dẫn tới sự thay đổi các hình thái thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới.
Ngoài ra, khí thải CO2 từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch đang giữ nhiệt trong khí quyển. Điều đó đang làm Trái Đất nóng lên và là nguyên nhân chính gây ra nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, trong đó có các đợt nắng nóng.
Bình luận