Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc cho biết nhiệt độ toàn cầu đang trên đà vượt qua ngưỡng dự kiến được thiết lập trong hiệp định khí hậu Paris trong vòng 5 năm tới.
Trước đó, 8 năm nóng nhất được ghi nhận xảy ra từ năm 2015 đến năm 2022, nhưng nền nhiệt sẽ còn tăng lên khi biến đổi khí hậu trầm trọng hơn.
WMO cho biết: “Có 98% khả năng là ít nhất 1 năm trong vòng 5 năm tới hoặc cả giai đoạn 5 năm nói chung sẽ là thời điểm nóng nhất được ghi nhận”.
Năm 2015, các quốc gia đã nhất trí kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu ở dưới 2 độ C so với mức bình thường được ước tính từ năm 1850 đến 1900, và 1,5 độ C nếu khả thi.
Nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới vào năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850 - 1900.
Theo WMO, có 66% khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu hàng năm sẽ vượt 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một trong các năm từ 2023 đến 2027.
Mặc dù điều này không có nghĩa là thế giới sẽ vĩnh viễn vượt quá tiêu chuẩn của hiệp định Paris, nhưng WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta sẽ vượt qua mức 1,5 độ C trên cơ sở tạm thời với tần suất ngày càng tăng.
Giám đốc WMO Petteri Taalas cho hay, hiện tượng El Nino gây nhiệt độ nóng lên sẽ phát triển trong những tháng tới. Bên cạnh đó, hình thái thời tiết này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu đến một mức chưa từng thấy.
“Điều đó sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng”, ông Taalas nói.
El Nino là tình trạng nóng lên quy mô lớn của nhiệt độ bề mặt ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương. Hiện tượng thời tiết này thường xảy ra cứ 2 đến 7 năm một lần.
Đầu tháng 5, WMO thông báo khả năng El Nino phát triển là 60% vào cuối tháng 7 và 80% vào cuối tháng 9.
Thông thường, El Nino làm tăng nhiệt độ toàn cầu vào năm sau khi nó phát triển, và trong chu kỳ này sẽ là năm 2024.
Bất chấp tác động làm mát từ hiện tượng La Nina trong hầu hết 3 năm qua, kỷ lục 8 năm nóng nhất trong lịch sử thế giới đều diễn ra từ năm 2015 trở đi, với năm 2016 là năm nóng nhất.
Nhiệt bị giữ lại trong bầu khí quyển bởi khí nhà kính đang ở mức cao kỷ lục. Ba loại khí nhà kính chính là CO2, mê-tan và NO2.
Các nhà khoa học tin rằng nhiệt độ gần bề mặt Trái đất đã tăng lên kể từ những năm 1960. Trong đó, khả năng nhiệt độ tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với mức trung bình của thời kỳ 1850 - 1990 đã tăng đều đặn kể từ năm 2015.
Cơ quan thời tiết quốc gia Anh (Met Office) là trung tâm hàng đầu của WMO về khả năng dự báo khí hậu hàng năm hoặc trong giai đoạn 10 năm.
Ông Leon Hermanson, nhà khoa học chuyên gia của Met Office cho biết: “Nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự đoán tiếp tục tăng, khiến chúng ta rời xa nền khí hậu từng quen thuộc”.
WMO dự báo nhiệt độ của năm 2023 có thể cao hơn mức trung bình của giai đoạn 1991-2020 ở hầu hết các vùng trên thế giới, ngoại trừ Alaska, Nam Phi, Nam Á và một số khu vực của Australia.
Bình luận