Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển 5.800 chỉ tiêu đầu vào theo 3 phương thức là xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp.
Theo đó trường xác định chỉ tiêu cụ thể cho 3 phương thức xét tuyển là: 5% chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; 60% chỉ tiêu với xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; 35-40% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trường đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến 18 điểm (gồm điểm ưu tiên). Điểm trúng tuyển được xác định theo từng ngành, từng chương trình học. Không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển và trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển.
Riêng với phương thức xét tuyển kết hợp sẽ gồm 5 đối tượng: Thí sinh tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài truyền hình Việt Nam; thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên.
Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; thí sinh là học sinh giỏi 5 học kỳ 3 năm THPT các lớp hệ chuyên thuộc trường chuyên.
Tất cả các thí sinh tham gia xét tuyển đều phải có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trở lên (dự kiến từ 14- 18 điểm tuỳ vào từng đối tượng xét tuyển cụ thể).
Năm nay, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội xét tuyển 1.850 chỉ tiêu cho 31 ngành/chương trình đào tạo.
Đối với phương thức xét kết quả thi THPT năm 2020 theo tổ hợp các môn/bài thi, trường quy định rõ điểm trúng tuyển xác định theo từng tổ hợp các bài thi/môn thi xét tuyển.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường/ngành và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký nhưng mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Thí sinh xét tuyển theo kết quả thi THPT đăng ký nguyện vọng xét tuyển cùng nơi đăng ký dự thi THPT tại địa phương; không phải nộp hồ sơ đăng ký về Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Tương tự, Đại học Thủy lợi dành 70% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với phương thức xét tuyển thẳng, không quá 10% tổng chỉ tiêu và xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, không vượt quá 30% tổng chỉ tiêu.
Riêng với phương thức xét tuyển học bạ sẽ dựa vào tổng điểm trung bình 03 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển, không tính học kỳ 2 năm lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020.
Nhà trường cũng đưa ra ngưỡng nhận hồ sơ nhóm ngành Công nghệ thông tin có tổng điểm đạt từ 21,0; ngành kỹ thuật điện, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có tổng điểm đạt từ 19,0; các ngành khác tổng điểm đạt từ 18,0. Trong trường hợp nhiều thí sinh đạt cùng ngưỡng điểm thì thứ tự ưu tiên là môn Toán.
Mùa tuyển sinh năm nay, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển 3.259 chỉ tiêu xét tuyển đại học hệ chính quy, trong đó phân hiệu tại Thanh Hóa tuyển 250 chỉ tiêu.
Trường cũng đưa ra 4 phương thức, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển tại các Sở GD&ĐT theo Quy chế của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của các trường THPT; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xét tuyển theo kết quả học tập của 3 học kỳ bậc THPT.
Riêng với xét tuyển thẳng tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội áp dụng đối với các thí sinh tốt nghiệp tại các trường THPT chuyên; thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL IBT 64/120 điểm hoặc IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương do cơ quan quốc tế có thẩm quyền cấp còn thời hạn sử dụng.
Video: Phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
Bình luận