• Zalo

Mua bán trên không gian mạng bùng nổ, người tiêu dùng cần học cách tự bảo vệ

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Sáu, 16/09/2022 09:14:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia và luật sư cho rằng, để mua bán trên không gian mạng an toàn giữa bối cảnh công nghệ số bùng nổ, người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Hiện nay, khi công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều hình thức kinh doanh, giao dịch hàng hóa trên không gian mạng cũng nhanh chóng xuất hiện và ngày càng phổ biến, cạnh tranh khốc liệt với thị trường truyền thống.

Không thể phủ nhận việc mua sắm qua mạng rất tiến bộ và hiện đại, mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn và dễ dàng mua bán từ xa. Tuy nhiên, chính vì mua sắm gián tiếp qua mạng nên quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng dễ bị xâm phạm, khi việc giao dịch trên không gian mạng đang ngày càng lộ ra nhiều bất cập.

Chị Trương Thị Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, do không có nhiều thời gian nên chị có thói quen mua sắm hàng hóa qua các hội nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đã không ít lần quyền lợi của chị bị ảnh hưởng bởi cách mua hàng này. Mới đây nhất, chị Mai đặt mua combo du lịch (du lịch trọn gói) tại một hội nhóm trên mạng xã hội Facebook. Nhận thấy mức giá hợp lý và người bán liên tục đăng tải nhiều bài viết quảng cáo trên hội nhóm, với những lời cam kết hấp dẫn, chị Mai đã ngay lập tức chuyển khoản số tiền cọc trị giá 2 triệu đồng để mua combo trên.

Tuy nhiên, sau vài ngày hứa hẹn gửi mã vé máy bay và mã đặt phòng, người bán hàng trên bất ngờ chặn mọi liên lạc với chị Mai. Lúc này, biết mình đã bị lừa chị Mai không biết khiếu nại đến cơ quan tổ chức nào để đòi lại quyền lợi của mình vì chị cũng không biết người mình giao dịch cùng là ai.

Mua bán trên không gian mạng bùng nổ, người tiêu dùng cần học cách tự bảo vệ  - 1

Người tiêu dùng cần tự bảo vệ quyền lợi của mình trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)

Không chỉ chị Mai, nhiều người tiêu dùng cũng phản ánh về việc bị lừa đảo khi mua hàng trên mạng như mua phải hàng lỗi không thể đổi trả; mua phải hàng giả, hàng nhái…Còn trường hợp khách mua hàng không giống như quảng cáo thì nhiều vô kể.

Nhiều chuyên gia khuyên rằng để mua hàng trên không gian mạng được an toàn, hiệu quả, đầu tiên người tiêu dùng phải cẩn trọng, tự bảo vệ quyền lợi của mình trước mỗi giao dịch, sau đó mới đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Người tiêu dùng không nên cả tin vào những đánh giá ảo trên mạng mà không kiểm tra thông tin một cách chắc chắn bởi đó đều là những sản phẩm, dịch vụ buộc người mua phải trả tiền trước rồi mới được nhận hàng. Vì thế, người mua dễ rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang".

Trả lời VTC News về thực trạng này, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch (Hà Nội) - khẳng định, trước khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm, đòi lại quyền lợi cho mình thì người tiêu dùng cần tự bảo vệ quyền lợi của chính mình trên không gian mạng, khi giao dịch mua bán nảy sinh những tranh chấp mang tính pháp lý.

Luật sư Tuấn Anh phân tích, quan hệ giao dịch, mua bán hàng hóa trên mạng xã hội có những đặc thù dễ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Cụ thể, yếu tố đầu tiên là bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giao kết hợp đồng với người tiêu dùng thông qua các thông điệp dữ liệu điện tử, dễ làm nảy sinh các vấn đề về tính pháp lý của các thỏa thuận, đồng thời tạo ra các nguy cơ về bảo mật thông tin của người tiêu dùng khi giao kết các hợp đồng này.

Tiếp đó, đại đa số người tiêu dùng giao kết các hợp đồng theo mẫu và tuân theo các điều kiện giao dịch chung nên trong nhiều trường hợp bị bên bán áp đặt các điều kiện bất lợi.

Thứ ba, việc giao dịch không bị hạn chế về mặt không gian cũng gây ra khó khăn trong việc bên bán thực hiện cam kết những nghĩa vụ bảo hành hàng hóa với bên mua.

Cuối cùng, rất nhiều giao dịch trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay còn mang yếu tố nước ngoài, gây khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu và tranh chấp khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm.

Ngoài những yếu tố trên, việc người tiêu dùng mua hàng hóa trên không gian mạng khi không biết cụ thể thông tin người bán hàng, không được trải nghiệm sản phẩm trước khi mua và chỉ nhìn thấy sau khi đã nhận hàng từ dịch vụ chuyển phát cũng tiềm ẩn nguy cơ không được đảm bảo quyền lợi một cách tốt nhất.

Vì những đặc điểm trên, pháp luật nên xây dựng những quy định riêng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ chuyển đổi số nói riêng và trên không gian mạng nói riêng. Tuy nhiên, các quy định này cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với sự phát triển không ngừng của hình thức thương mại điện tử và phù hợp với xu hướng chung của thế giới”, luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nhận định về những rủi ro ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, bất cập, hạn chế của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh từ bối cảnh trong nước và quốc tế đã và đang có nhiều thay đổi; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

Theo ông Tuấn Anh, một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính truyền thống mà chưa tính đến một số phương thức mới, theo sự phát triển của thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số, nền tảng chia sẻ và công nghệ 4.0. Bởi vậy, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan phát sinh mới trong thực tiễn chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến trách nhiệm thực hiện bảo hành, thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật…còn chưa đầy đủ, rõ ràng khiến cho việc triển khai, giám sát còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại khó được giải quyết kịp thời.

"Người tiêu dùng cần học cách chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm nhận thức được việc quyền lợi của bản thân bị xâm phạm và các biện pháp xử lý trong những trường hợp tiêu cực. Nếu không tự xử lý được, người tiêu dùng nên thông báo ngay cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để kịp thời ngăn chặn các hành vi này, đồng thời yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà bản thân phải gánh chịu do những hành vi vi phạm này gây ra", luật sư Trần Tuấn Anh đưa ra giải pháp giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình khi giao dịch qua mạng xã hội.

Cùng quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, TS.Phan Thị Lan Phương, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khi tham gia giao dịch trên Internet, người tiêu dùng còn phải đối mặt với rủi ro bị lộ thông tin cá nhân nên có thể bị nhận hàng từ một tài khoản giả mạo khác hoặc bị rất nhiều tài khoản bán hàng chào mời, làm phiền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống riêng tư của cá nhân. Vấn đề này trong các quy định của pháp luật hiện vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Vì vậy, góp ý hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), TS.Phan Thị Lan Phương cho rằng, đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong các giao dịch được thực hiện qua mạng Internet, cần phải quy định theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh trong việc bảo mật thông tin khách hàng.

Ngoài ra, đối với hình thức giao dịch được thực hiện qua mạng Internet, cần phải có quy định về việc giám sát tính trung thực trong giao dịch, bằng cách quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba tham gia vào việc giám sát tính trung thực trong các giao dịch, và có cơ chế để chủ thể kinh doanh khi sử dụng ứng dụng của internet không tự mình xoá được tài khoản bán hàng khi bị phát hiện có hành vi kinh doanh không trung thực.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn