Trong thời gian qua, nhiều người tiêu dùng phản ánh gặp rất nhiều bất đồng, tranh chấp phát sinh khi mua hàng, dù rất muốn khiếu nại, khiếu kiện đề đòi lại quyền lợi cho mình nhưng rất nhiều vụ việc lại vấp phải một khâu tưởng như đơn giản là thiếu hóa đơn. Vậy hóa đơn có vai trò như thế nào và người tiêu dùng có những cách thức ra sao để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp như vậy?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông luật phân tích: Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật (theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC). Đối với người mua, hóa đơn là một bằng chứng quan trọng, thể hiện việc mình đã trả tiền hoặc mình đã mua bán, sử dụng sản phẩm dịch vụ đấy. Đặc biệt, trong các ngành cung cấp dịch vụ như du lịch, giáo dục, y tế thì người mua cần phải giữ kỹ hóa đơn để làm bằng chứng quan trọng trong việc mình đã đóng đầy đủ chi phí được hưởng dịch vụ. Nếu mất hóa đơn, người mua sẽ khó chứng minh khi xảy ra các tranh chấp mâu thuẫn.
Trong khi đó, đối với người bán, hóa đơn là một bộ phận quan trọng để xác định ngày-giờ-tháng cung cấp sản phẩm dịch vụ. Hóa đơn sẽ thể hiện những thông tin liên quan đến hai bên mua-bán nhằm ghi lại lịch sử hoạt động kinh doanh của đơn vị, cũng như là đảm bảo sự uy tín chất lượng với khách hàng. Người bán cần phải có hóa đơn để làm đối chất với người mua một khi xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp. Đồng thời để thực hiện nghĩa vụ thuế của cá nhân, đơn vị với Nhà nước.
"Nếu xảy ra tranh chấp, hóa đơn là một trong những bằng chứng quan trọng, là căn cứ để người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ", ông Bình khẳng định.
Trong khi đó, thạc sỹ Phạm Hoài Huấn, Đại học Luật TP.HCM cho biết, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là bảo vệ chính chúng ta, vì thế người mua nên nhận hóa đơn khi mua hàng. Theo ông Tuấn, trước khi được người khác bảo vệ mình thì người tiêu dùng cần tự bảo vệ thông qua việc thay đổi các thói quen như:
Chúng ta mua hàng thì cần có hóa đơn mua hàng. Tuy nhiên, hóa đơn không phải là thứ duy nhất. Trên thực tế, nếu mua sản phẩm từ những đơn vị uy tín được pháp luật bảo hộ thì khi họ có nhãn mác, phiếu bảo hành, chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện. "Như vậy, có thể thấy chúng ta có rất nhiều cách thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn khuyến cáo người tiêu dùng nếu gặp tình trạnh quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì không nên e ngại việc khởi kiện, hãy giao cho luật sư là những người chuyện nghiệp hỗ trợ. Vì càng e ngại tức là càng tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Với những món hàng có giá trị nhỏ thì cũng nên quen với cách bắt đầu từ việc phản ánh tới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng rồi khiếu nại tới cơ quan chức năng. Ở nước ngoài, có một thông lệ rất thú vị đó là "danh sách đen", những sản phẩm, những nhà sản xuất nào mà có nhiều lỗi hay bị khiếu nại và cơ quan chức năng điều tra ra được đúng là như vậy thì họ cho vào "danh sách đen", ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của các doanh nghiệp.
Theo các luật sư, luật bảo vệ người tiêu dùng đã đi vào cuộc sống được một thời gian khá dài, quy định người tiêu dùng có đến 8 quyền năng cơ bản trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức bảo vệ xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Quyền đã có nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự biết và hiểu đúng để áp dụng. Trong khi đó một bộ phận người tiêu dùng hiểu được quyền lợi được pháp luật bảo vệ của mình nhưng lại e ngại khi sử dụng các quyền ấy, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc không ý thức đề phòng bảo vệ quyền lợi của mình như không giữ hóa đơn chứng từ.
Nhằm khuyến khích người dân có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ cũng như biết đến việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế, mới đây, Cục thuế Hà Nội đã tổ chức chương trình lựa chọn hóa đơn may mắn dành cho những hóa đơn hợp lệ phát sinh trong quý II/2022.
Cục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội cho biết, 100% người nộp thuế trên địa bàn thành phố đã sử dụng HĐĐT với số lượng HĐĐT phát hành trong 9 tháng năm 2022 là khoảng 245 triệu hóa đơn. Tuy nhiên, lượng HĐĐT đã phát hành tập trung chủ yếu xuất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, hoặc cá nhân có nhu cầu hạch toán và cung cấp chứng từ thanh toán.
Trên thực tế, người dân hiện nay khi đi mua hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng chưa có thói quen lấy hóa đơn. Việc này trước hết ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua hàng, tạo rủi ro về mặt pháp lý, khiếu nại, khiếu kiện; bên cạnh đó, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý của cơ quan thuế, có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Cục Thuế thành phố Hà Nội tin tưởng rằng, thành công của chương trình lựa chọn hóa đơn may mắn sẽ góp phần tạo thói quen lấy hóa đơn của người mua hàng hóa, dịch vụ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa đơn của doanh nghiệp, tổ chức bán hàng, góp phần hiện đại hóa quản lý thuế, tập trung cơ sở dữ liệu lớn (big data) về HĐĐT, chống gian lận hóa đơn thuế. Về kết quả bấm nút lựa chọn hóa đơn may mắn quý II/2022 trên phần mềm hóa đơn may mắn: Có 19 hóa đơn may mắn quý II/2022 đã được lựa chọn trong tổng số gần 170.000 HĐĐT thuộc đối tượng và đủ điều kiện đưa vào quay thưởng.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, việc tổ chức chương trình lựa chọn hóa đơn may mắn góp phần thúc đẩy người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ, tạo sự minh bạch trong sản xuất, kinh doanh của các thương nhân, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Theo dõi việc tổ chức chương trình hóa đơn may mắn quý II/2022 cho thấy, chương trình đã nhận được sự quan tâm của đại diện các sở, ban, ngành thành phố và lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã, khu vực.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao việc Cục Thuế thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai chương trình lựa chọn hóa đơn may mắn quý II/2022 trên toàn thành phố, bảo đảm người mua hàng, bán hàng thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Quản lý thuế. Ông cũng cho rằng Cục Thuế thành phố Hà Nội nói riêng và ngành thuế nói chung áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại trong công tác của mình, hướng tới công cuộc chuyển đổi số toàn ngành, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của quốc gia.
Do đó, khi có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng có thể gửi yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phản ánh tới các cơ quan, tổ chức sau để được hỗ trợ giải quyết:
Đối với tranh chấp phát sinh trong địa bàn một tỉnh, thành phố (người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện đang ở trên cùng một địa bàn), người tiêu dùng có thể gửi yêu cầu tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố.
Đối với tranh chấp liên quan nhiều chủ thể, khác địa bàn địa lý hoặc các tranh chấp khác, người tiêu dùng có thể gửi yêu cầu tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) qua bưu điện đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Người tiêu dùng cũng có thể gửi phản ánh qua email: [email protected]; hoặc gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng: 18006838.
Bình luận