Khán phòng Nhà hát Bến Thành TP.HCM chật kín. Khi khung cảnh làng quê yên bình hiện ra sống động, cả khán phòng dường như chỉ còn tiếng thở nhẹ… Tất cả bị hút vào câu chuyện hồi tưởng hơn 50 năm trước ở tuyến lửa Truông Bồn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, cùng các nữ TNXP Tiểu đội 2- Tiểu đội Cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An …
Có lẽ TP Hồ Chí Minh là nơi in dấu chân Bác, một người con Nghệ An kiệt xuất, và nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), chào mừng 44 năm gày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ quyết định đưa vở dân ca kịch Hoa lửa Truông Bồn (kịch bản: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể dân ca xứ Nghệ và Ví Giặm: Nguyễn An Ninh; Đạo diễn: NSND Lê Hùng) lưu diễn 3 buổi từ ngày 24 - 26/4/2019.
Trước khi nói về vở diễn, có thể nói qua về tác giả kịch bản. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ là một người con của Nghệ An, luôn đau đáu hướng về quê hương mình như một sự tri ân sâu sắc với những tiền nhân và các anh hùng, liệt sĩ, được ông thể hiện qua những vở lịch sử như Mai Hắc Đế về Vua Mai Thúc Loan, Hừng đông về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, đến vở mới nhất là Hoa lửa Truông Bồn, câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của các liệt sĩ TNXP nơi tuyến lửa Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương).
Nhà hát Bến Thành, giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh, như có một Truông Bồn thật sự hiện diện với rừng núi ngút ngàn, như có một làng quê Nghệ An yên bình với ao sen, hoa cỏ, cây đa cổ thụ… đã thu hút khán giả Phương Nam đến với đêm diễn đầu tiên.
Hoa lửa Truông Bồn lấy bối cảnh và cảm hứng từ sự kiện lịch sử 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của Tiểu đội 2, Tiểu đội Cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An. 13 chiến sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào ngày 31/10/1968 tại tuyến lửa Truông Bồn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), một trong những tọa độ lửa khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chỉ vài giờ trước khi lệnh ngừng ném bom ở miền Bắc của Mỹ được thực thi.
Bối cảnh sân khấu chính, cũng là không gian chính diễn ra các tình huống kịch, là tọa độ lửa Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.
Thực hiện âm mưu hủy diệt đường huyết mạch Truông Bồn, từ năm 1964 - 1968, Mỹ đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân, phá hủy hàng trăm xe ô tô, hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta.
Trên 1.240 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ trên cung đường đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Hoa lửa Truông Bồn gồm 4 cảnh. Từng cảnh mở ra như từng đoạn hồi ức về các chiến sĩ TNXP Truông Bồn ở thời khắc ác liệt, sinh tử nhất của cuộc chiến tranh với nhân vật chính là tiểu đội trưởng Trần Thị Thông và các chiến sỹ nữ tuổi đời còn rất trẻ.
Những cảnh các cô TNXP hò hát trêu chọc vui nhộn, lạc quan, như không hề nghĩ tới chuyện sinh- tử, dưới mưa bom bão đạn kẻ thù, tạo không khí cho vở diễn không còn chất bi lụy về một sự kiện bi tráng.
Những mối tình TNXP với các anh bộ đội vào chiến trường B chiến đấu, với lái xe Trường Sơn, đẹp như hoa mà cũng nhiều nỗi đau thấu tim như mối tình của Nguyễn Thị Tâm, Cao Ngọc Hòa; của Thông với anh bộ đội Thành, và cả chớm nở một tình yêu thầm cao đẹp của Diên với Thông để sau này họ là vợ chồng thắm thiết bên nhau…, như những khúc thơ lãng mạn tuyệt đẹp trong khói lửa, mang đến người xem cảm giác xao động trước các mối tình đó.
Và hình ảnh sống động khi trực diện đối mặt với máy bay Mỹ đếm từng quả bom rơi xuống mặt đường, là tay cuốc tay xẻng và cả đôi tay con gái đào đất san lấp hố bom vá mặt đường, rồi cứ nhẹ bẫng khi phá bom nổ chậm giống như nhặt một viên đá nhỏ vướng chân.
Những cảnh giúp xe chở đạn dược lương thực vào chiến trường vượt cung đường “tử’, di chuyển thương binh, tử sĩ, đưa đón hàng nghìn đoàn xe, đoàn quân vào mặt trận… được tái hiện bằng các hiệu ứng sân khấu kết hợp như đưa người xem hòa vào không khí của hơn 50 năm trước…
Bên cạnh âm hưởng chủ đạo là ngợi ca, Hoa lửa Truông Bồn cũng có những trường đoạn khắc họa, phê phán tính cách ươn hèn, tham sống sợ chết của Tuấn, một nam thanh niên đã tìm cách ở lại hậu phương rồi xu nịnh, dối trá, cơ hội, leo lên thành cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh. Và chính thế vở diễn càng chân thật hơn, gần hơn với người xem.
Cao trào đỉnh điểm của vở diễn, cũng là cảnh gây xúc động đến thắt tim người xem, là cuộc chiến đấu cuối cùng của các cô gái TNXP trong Tiểu đội 2 trên cung đường ác liệt Truông Bồn sáng ngày 31/10/1968, dưới mưa bom bão đạn tàn khốc của máy bay Mỹ.
13 trong số 14 chiến sỹ của “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” TNXP Truông Bồn đã anh dũng hy sinh trên mặt đường, khi chỉ vài giờ nữa thì bom đạn Mỹ đã phải im tiếng theo một hiệp nghị ký kết hòa bình giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ.
Hơn 50 năm đã trôi qua, sự kiện Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại không chỉ của người dân Nghệ An mà còn của những người dân khắp cả nước, đặc biệt là với các cựu TNXP, các cựu lái xe Trường Sơn năm xưa, các chiến sĩ của các sư đoàn vào Nam chiến đấu.
Vở diễn chạm đến trái tim người xem qua từng chi tiết, lời thoại, sự hóa thân của dàn diễn viên tài năng: NSND Hồng Lựu vai Trần Thị Thông (lúc đã cao tuổi); NSƯT Minh Tuệ vai Diên (lúc đã cao tuổi); Thiên Huế vai Trần Thị Thông (lúc trẻ); Duy Thanh vai Diên (lúc trẻ); Minh Thành vai Tâm; Minh Thông vai Hòa; Hà Lý vai Mẹ của Thông; Thanh Mai vai Hường (lúc tuổi đã cao); Hoài Sinh vai Vinh; Quang Sáng vai bộ đội lái xe, và cả nhân vật phản diện duy nhất Tuấn do Mai Kiên thủ vai.
Các nghệ sĩ của Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ không chỉ diễn mà còn mang tới khán giả TP Hồ Chí Minh những giọng ca đẹp, ngọt ngào. Vở diễn đã làm cho trái tim người xem thêm thổn thức với các làn điệu Ví Giặm, với Ví nhẹ nhàng, mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng, xao xuyến, thiết tha; Giặm mạnh mẽ, dứt khóat, mạch lạc…, một cách biểu cảm đầy thuyết phục, giao lưu thẳng tới tâm hồn cảm xúc khán giả.
NSND Lê Hùng vốn quá kinh nghiệm với đề tài chiến tranh, và trong “Hoa lửa Truông Bồn” ông đã kết hợp một cách đồng điệu hòa quyện các hiệu ứng sân khấu từ âm thanh, ánh sáng, các trích đoạn phim qua màn hình Led, thiết kế trang trí bối cảnh, tạo cho khán giả có cảm giác cùng hòa mình và chứng kiến tận mắt sự kiện, và đó cũng là một thành công của vỡ diễn, chạm vào cảm xúc người xem.
Nói thêm, như một cái kết cho vở ca kịch Hoa lửa Truông Bồn, cũng như với khán giả, Tiểu đội 2 TNXP, “nhân vật” lớn cao đẹp của vở diễn- “Tiểu đội Thép” Truông Bồn, đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2008.
Hoa lửa Truông Bồn có thể nói như một thông điệp “hậu chiến”, chuyển tới những thế hệ hôm nay ngoài ý nghĩa tri ân, còn là lời nhắc nhở về lý tưởng sống đẹp có trách nhiệm, nghĩa vụ công dân với nhân dân, với đất nước.
Bình luận