Gừng, hành, tỏi, hành tây là những gia vị không thể thiếu trong gian bếp, khiến món ăn thêm phần trọn vẹn. Khoai tây là thành phần của nhiều món ăn khoái khẩu; còn khoai lang được nhiều người yêu thích, nhất là những người theo đuổi chế độ giảm cân lành mạnh. Do sử dụng thường xuyên nên nhiều người mua với lượng khá lớn, và thời tiết ẩm ướt, việc không bảo quản đúng cách khiến những loại củ này mọc mầm. Trong tình trạng này, có nên tiếp tục sử dụng?
Hành, gừng và tỏi
Hành, gừng và tỏi khi đã mọc mầm vẫn có nhiều gia đình tiếp tục sử dụng. Hành, tỏi đã mọc mầm vẫn có thể ăn nhưng mùi vị sẽ không còn đậm như trước và chất lượng sẽ kém đi. Dưỡng chất trong củ đã được dùng để phần mầm nên hành, tỏi mất đi vị cay ban đầu.
Nếu tỏi đã bị phơi nắng mà bề mặt của củ tỏi mọc mầm đã chuyển sang màu xanh, mầm mọc cao thì không nên ăn. Củ tỏi lúc này đã sản sinh ra chất ancaloit gây hại cho cơ thể con người.
Ngược lại, gừng đã mọc mầm chẳng những ăn được mà phần mầm đã mọc còn ngon hơn phần gốc, nhưng độ cay sẽ không bằng gừng già.
Hành tây
Hành tây rất dễ nảy mầm, nhất là ở nhiệt độ khoảng 15 độ C. Tuy nhiên, hành tây đã nảy mầm hoặc thậm chí ra lá xanh cũng không tạo ra chất có hại cho cơ thể. Phần mầm này còn chứa nhiều dinh dưỡng hơn củ do chứa chất dinh dưỡng từ củ.
Khoai lang
Khoai lang mọc mầm có vị không bùi do hàm lượng tinh bột đã giảm nhiều. Nó dễ bị nấm mốc (xuất hiện các đốm nâu, đen trên mặt vỏ). Lúc này, bạn không nên ăn vì những đốm ấy là chất độc hại, dù làm chín khoai ở nhiệt độ cao cũng không thể khử được chất độc, nếu ăn phải sẽ dễ đau bụng, tiêu chảy. . Nếu vẫn muốn tận dụng, bạn chỉ nên chọn những củ vừa mới mọc mầm, không có đốm đen hoặc nâu.
Khoai tây
Nếu trên củ khoai tây chỉ có một ít mầm mới nhú, bạn có thể khoét bỏ mắt mầm, gọt vỏ rồi ngâm nước nửa tiếng trước khi chế biến. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn không ăn những củ khoai tây này. Khoai tây đã mọc mầm tạo ra lượng lớn solanin, khi cơ thể hấp thụ quá nhiều sẽ dẫn hôn mê hoặc sốc, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Bình luận