Buổi giảng cuối cùng của GS Trần Văn Thọ có khoảng 300 người tham dự với nội dung “40 năm với làn sóng công nghiệp hóa của châu Á”.
Bài giảng của GS Thọ làm nổi bật tầm quan trọng của “Mô hình đàn sếu bay” và “Mô hình Heckscher–Ohlin”.
Sau bài giảng, GS Thọ đã có buổi lễ chia tay Đại học Waseda. Lễ chia tay giảng đường của giáo sư có sự tham gia của ông Tanizaki Yasuaki, cựu Đại sứ Nhật tại Việt Nam, đồng thời cũng là người bạn thâm giao với GS Thọ.
Về phía Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam, đã đại diện phát biểu lời chia tay. Ông Nam cũng đã đọc bức thư chia tay của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi qua. Trong bức thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kể lại cuộc gặp gỡ ban đầu đầy cảm động giữa ông và GS Trần Văn Thọ.
Sinh viên cũ của GS Trần Văn Thọ, Muramatsu Megumi, tham dự lễ chia tay giảng đường, viết rằng: Lá thư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “khiến tôi cảm thấy rất xúc động và càng cảm phục giáo sư, một học giả kinh tế đáng kính - một nhân cách đáng trân trọng”.
Muramatsu Megumi cảm tưởng: “Dưới sự hướng dẫn của giáo sư Thọ, một con người với nhân cách cao quý, đạo đức, coi trọng lòng yêu nước, tôi đã học tập được rất nhiều điều từ lẽ sống của giáo sư với tư cách là một con người cũng như với tư cách một nhà nghiên cứu kinh tế học thực sự.
Chính vì nhân cách tuyệt vời của giáo sư mà trong buổi lễ này đã có mặt đến hơn 200 người từ những chính trị gia từ 2 nước Nhật - Việt, các bộ, cơ quan quốc tế, các tổ chức tài chính, viện nghiên cứu, các công ty thương mại, nhà xuất bản, các giáo sư danh dự, các trường đại học và đông đảo sinh viên, OB-OG của Waseda Seminar cùng đến tham gia buổi giảng cuối cùng trang trọng này”.
Được biết trong thời gian này, cuốn sách mới của GS Trần Văn Thọ với tựa đề “Động lực châu Á và sự phát triển kinh tế của Việt Nam” cũng đã được công bố xuất bản.
Dưới đây là một số hình ảnh về buổi giảng cuối cùng và lễ chia tay do học trò của GS Trần Văn Thọ - Muramatsu Megumi, ghi lại:
Giáo sư Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, sang Nhật Bản du học năm 1967 theo chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Mặc dù đến nay đã sống ở Nhật Bản hơn 50 năm nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Sau khi lấy Bằng Tiến sĩ Kinh tế Đại học Hitotsubashi (Tokyo), ông ở lại Nhật và vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản; sau đó là Phó Giáo sư, rồi Giáo sư Đại học Obirin (Tokyo).
Ông là sáng lập viên Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Tại Nhật Bản, trên cương vị là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản, Giáo sư Thọ đã đưa ra những đề xuất về chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản từ tầm nhìn Châu Á và toàn cầu.
Giáo sư Thọ là người khởi xướng và vận động thành lập “Trung tâm kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm thúc đẩy giao lưu nghiên cứu giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước trong khu vực. Giáo sư đã nhận trách nhiệm vận động các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần to lớn cho việc thành lập Trung tâm này vào năm 1993. Kể từ đó, Giáo sư đã tích cực thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Trung tâm này với các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản.
Ngoài ra, Giáo sư Trần Văn Thọ đã thành lập “Viện nghiên cứu tổng hợp về Việt Nam” thuộc Đại học Waseda, với vai trò là Viện trưởng, ông đã xây dưng nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến hội nhập kinh tế Đông Á, phát triển khu vực Mekong…, và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Nhật – Việt.
Hiện Giáo sư Trần Văn Thọ trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Nhật và tiếng Anh cũng như hướng dẫn sinh viên viết luận văn tại Đại học Waseda. Không chỉ các sinh viên Nhật Bản mà còn rất nhiều du học sinh đến từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.
Giáo sư Thọ từng tham gia Tổ tư vấn kinh tế và Ban nghiên cứu chính sách thời kỳ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Tháng 7 năm ngoái, giáo sư Thọ tham gia vào Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng dưới sự chỉ định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bình luận