“Chúng tôi thực hiện các hợp đồng đã được ký kết. Tất nhiên, quyết định đơn phương như vậy sẽ vi phạm các điều khoản của hợp đồng hiện có, dẫn đến việc dừng việc cung cấp”, Alexey Miller, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, nói với kênh Russia 1 TV hôm 16/10, đề cập đến việc G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt Nga.
Cảnh báo tương tự cũng được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hồi tháng trước. Ông Putin nói, Moskva sẽ cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu châu Âu áp đặt giới hạn giá dầu và khí đốt, đồng thời cảnh báo châu Âu về một mùa đông lạnh giá.
Mỹ, EU và các đồng minh áp đặt loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến hoạt quân sự của nước này ở Ukraine. EU đến nay đã giảm mua năng lượng của Nga, G7 và EU đang xem xét khả năng áp đặt mức trần giá đối với dầu và khí đốt của Nga.
Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận áp đặt thêm gói trừng phạt đối với Nga, bao gồm cấm vận chuyển đường biển đối với dầu của Nga cho các nước bên thứ ba trừ khi dầu được bán thấp hơn. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực sau ngày 5/12/2022 đối với dầu thô và ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga khoảng 60 USD/thùng có thể sẽ làm giảm nguồn thu năng lượng của Moskva trong khi vẫn cho phép sản xuất có lãi. Bà Yellen nhấn mạnh biện pháp này vẫn đang được Mỹ và các đồng minh phương Tây thảo luận.
Hôm 14/10, Phó Thủ tướng Nga Aleksander Novak cho biết Mỹ nên đặt giới hạn giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này cung cấp cho châu Âu, vì nhiên liệu của Mỹ đang được chuyển đến châu Âu với giá cao gấp 4 lần so với giá tiêu thụ trong nước.
Châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Moskva. Trong khi đó, Nga nói các lệnh trừng phạt là nguyên nhân gây ra các vấn đề về cung cấp khí đốt.
Bình luận