Đề xuất hoàn toàn khả thi
Theo đó, Cty CP phát triển đô thị Dệt May Nam Định (sau đây gọi tắt là Cty) nêu rõ: Về ý kiến của quý Nhà báo đề nghị giữ lại một phần Xưởng dệt, chúng tôi xin được chia sẻ với sự tôn trọng, đồng cảm với mong muốn đóng góp cho Thành phố Nam Định ngày càng xanh đẹp, đậm đà truyền thống. Quy hoạch chi tiết 1/500 hiện nay của Khu đất đã được Viện QHXD Nam Định lập, UBND Tỉnh phê duyệt trên cơ sở QH chung Thành phố do Chính phủ phê duyệt, do vậy mỗi điều chỉnh đều phải được các Cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.
Chúng tôi sẽ rà soát hiện trạng, Quy hoạch được duyệt, tìm một diện tích đất công cộng có các yếu tố: Có nhà xưởng cũ hoặc phục dựng lại, đảm bảo bền vững, sử dụng lâu dài; Có giao thông thuận tiện, phù hợp kết nối hạ tầng kỹ thuật lân cận; Phù hợp với tiến độ di dời, có mô hình quản lý sử dụng ổn định, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có những đề xuất chính thức lên các cấp có thẩm quyền chấp thuận triển khai các bước theo quy định của pháp luật. Việc bố trí khu di tích như đề xuất trên diện tích Nhà máy chưa di dời là hoàn toàn khả thi, và rất phù hợp nếu có sự liên hệ bổ trợ cho Nhà bảo tàng Dệt may hiện có. Tuy nhiên cơ chế quản lý, khai thác sử dụng và phát huy cơ sở này cũng như kinh phí duy tu bảo dưỡng là những yếu tố quan trọng, lâu dài trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, cần phải được giải quyết thấu đáo, khả thi.
Cty này cũng cho biết, việc đầu tư Dự án Khu đô thị được thực hiện hoàn toàn bởi nội lực từ các doanh nghiệp Dệt may, nhằm tạo đủ vốn để thực hiện di dời, xoá bỏ ô nhiễm và chỉnh trang đô thị. Nhà máy Dệt Nam Định mới sẽ có năng lực sản xuất mạnh hơn, công nghệ hiện đại bền vững và đảm bảo môi trường, việc làm thu nhập, tăng khả năng cạnh tranh và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá, góp phần tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống NLĐ.
Đây là một bước chuyển mình để Nhà máy Dệt có một sức sống mới mạnh mẽ, phù hợp với quy luật phát triển và cạnh tranh của thị trường cũng như đòi hỏi chỉnh trang đô thị, trong điều kiện không có sự hỗ trợ từ ngân sách. Hoàn toàn không tồn tại ở đây khái niệm Phá bỏ Nhà máy Dệt Nam Định.
Đã có bảo tàng mà không có khách tham quan
Theo Cty CP phát triển đô thị Dệt May Nam Định, quan điểm chỉ đạo từ đầu của Tập đoàn Dệt may là phải giữ gìn, tôn tạo các di tích văn hoá liên quan, những đóng góp của Ngành Dệt may và Nhà máy với Thành phố.
Ngay từ năm 2012, Khu nhà truyền thống nơi Bác Hồ 3 lần về thăm đã được Tập đoàn Dệt may đầu tư bước đầu hơn 50 tỷ đồng nâng cấp thành Bảo tàng Dệt may với khuôn viên 2 ha, lưu giữ những máy móc thiết bị cũ, hình ảnh lao động và chiến đấu và những tình cảm của các vị Lãnh đạo, nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Nhà máy.
Tuy nhiên, đã hơn 4 năm hoạt động nhưng hầu như không có khách tham quan Bảo tàng, trừ CBNV ngành Dệt may và sinh viên các trường trong Tập đoàn về học tập truyền thống. Khuôn viên Cây Bàng, Sân vận động Kotonkin được đầu tư, cải tạo nâng cấp. Các nhà biệt thự cũ được tôn tạo lại, Cột cờ Thành Nam, Chùa Vọng Cung cũng được dành sự quan tâm kết nối xứng đáng.
Tổng diện tích cũ của Nhà máy là 29 ha, đã được UBND Tỉnh quy hoạch năm 2013 phù hợp với Quy hoạch chung TP Nam Định do Thủ tướng phê duyệt, trong đó phần làm đất ở thấp tầng chiếm khoảng 09 ha (30%), đất công viên, văn hoá giáo dục, y tế khoảng 07 ha (chiếm 24%), còn lại là quy hoạch giao thông, khu mua sắm, thể dục thể thao... Ngoài ra, Tcty vẫn giữ lại khoảng 04 ha để làm việc, nâng cấp các cơ sở sản xuất ít ô nhiễm hoặc dịch vụ thương mại, tiếp tục hoạt động tại khuôn viên cũ.
Trước đó, như VTC News đã phản ánh, sau khi có thông tin về việc phá bỏ nhà máy Dệt Nam Định, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã viết thư gửi Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và một số cơ quan chức năng đề nghị giữ lại một phần nhà xưởng…
Bình luận