• Zalo

ĐBQH: Không thiếu kinh phí, sao chưa thanh toán cho người tham gia chống dịch?

Chính trịThứ Bảy, 07/01/2023 15:29:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Trí bày tỏ sự băn khoăn khi việc thanh toán cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bị chậm trễ, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân triển khai chậm. "Không thiếu kinh phí, vì sao chưa thanh toán cho người tham gia chống dịch?", ông Trí nói.

Ông Trí cũng thẳng thắn nêu ra những nguyên nhân chính, đó là do thiếu tinh thần trách nhiệm, mất phương hướng sau khi có một số sai phạm xảy ra và những người có trách nhiệm rất sợ sai.

ĐBQH: Không thiếu kinh phí, sao chưa thanh toán cho người tham gia chống dịch? - 1

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

“Sau khi có Nghị quyết thì Chính phủ, Thủ tướng cần chỉ đạo làm ngay, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào làm việc này phải tập trung làm cho xong, đừng để mất lòng tin của nhân dân”, ông Nguyễn Anh Trí nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) gợi nhắc về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30/2021/QH15 khi mà đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Thời điểm đó, dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

“Mỗi ngày số ca nhiễm tăng rất nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 ca – 5.000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phác đồ điều trị chưa có. Vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ, nhân lực y tế quá tải. Do đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ làm việc ngày đêm để kịp thời đưa ra Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV với những nội dung quan trọng, giúp Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. 

ĐBQH: Không thiếu kinh phí, sao chưa thanh toán cho người tham gia chống dịch? - 2

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho ý kiến về Nghị quyết 30 chiều 7/1.

Bên cạnh Nghị quyết 30/2021/QH15, Quốc hội cũng ban hành 6 Nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 Nghị quyết, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định đây là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ.

Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, ông Ngân lưu ý cần cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch. 

Trong đó, việc thanh toán chi phí phòng chống dịch cho cơ sở y tế và chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19, cần được quy định trong dự thảo Nghị quyết yêu cầu các thủ tục phải đơn giản, rút gọn. Việc chậm thanh toán cho các chiến sĩ, cho các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của những người từng tham gia chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ trong 3 năm qua ngành y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có, kể cả trong và sau đại dịch. Tuy nhiên, với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15  từ đó giúp cho ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh.

Qua tổng hợp ý kiến của Đại biểu Quốc hội với 48 ý kiến tại tổ và 8 ý kiến tại hội trường có thể thấy đại biểu Quốc hội đều thông cảm, chia sẻ với ngành y tế và mong muốn có thêm nhiều giải pháp khắc phục những vướng mắc.

"Việc Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thanh toán, giải quyết chế độ nghỉ việc, chế độ thanh toán đối với cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch COVID -19 đến hết ngày 31/12/2023 sẽ giúp Bộ có thời gian rà soát, đánh giá một cách chi tiết để thanh toán chế độ một cách chính xác, đúng quy định", bà Lan nói.

Phạm Duy
Bình luận
vtcnews.vn