Thảo luận tại hội trường sáng 7/1, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đánh giá cao Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ngành truyền thông, báo chí thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng đặt vấn đề: "Có 20% các cơ quan báo chí được đầu tư, còn 80% các cơ quan báo chí còn lại thì sao, các cơ quan đó có quan trọng hay không?".
Đại biểu cho rằng đầu tư theo hướng này sẽ dẫn tới phân tâm, không đảm bảo hiệu quả trong việc phát triển truyền thông, báo chí.
Theo đại biểu, bên cạnh việc đầu tư hợp lý, các cơ quan báo chí cần chú trọng nguồn lực để đầu tư theo đặt hàng để có các tác phẩm chất lượng cao, chuyên sâu, tạo ảnh hưởng xã hội lớn. Qua đó, cơ quan báo chí huy động được trí tuệ, tâm huyết, tài năng của đội ngũ nhà báo, phóng viên, nâng cao hiệu quả đầu tư, đạt được những kết quả thiết thực.
Đối với việc quy hoạch báo chí, trong đó có việc sáp nhập các cơ quan báo chí, truyền thông, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng các quyết định đưa ra cần dựa trên đánh giá tác động kỹ lưỡng với tầm nhìn dài hạn. Nếu thực hiện chia tách, sáp nhập một cách thiếu tính toán sẽ dẫn đến lãng phí trong xây dựng, sửa chữa trụ sở, mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất.
Ông Nghĩa cho rằng nên mạnh dạn theo hướng là các đài địa phương hết sức khó khăn, chúng ta có thể cân nhắc phát triển thành các đài truyền hình vùng.
“Hiện nay chúng ta có vùng kinh tế, liên kết vùng kinh tế, vì sao chúng ta không tính toán đến việc sáp nhập Đài Phát thanh Truyền hình một số tỉnh thành Đài Phát thanh Truyền hình khu vực để vừa hoạt động hiệu quả, giảm chi phí, tránh lãng phí và tránh sự khiên cưỡng”, đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.
Cũng đề cập việc quy hoạch báo chí trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, đối với định hướng phát triển các cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, bản Quy hoạch đã xác định rõ ràng, chính xác và khoa học mục tiêu tổ chức sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản in.
“Tôi đề nghị không nên chỉ là khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành Trung ương, mà cần bỏ từ khuyến khích. Bởi, nếu chỉ dừng lại khuyến khích thì tính hiệu lực và hiệu quả chưa cao”, đại biểu Nga nói.
Bình luận