• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Nhiều mặt hàng trong danh mục bình ổn giá chưa thuyết phục

Tin nóngThứ Ba, 23/05/2023 17:47:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nhiều loại hàng hoá trong danh mục bình ổn giá chưa thuyết phục, nên giao Bộ Tài chính quyết định theo thời điểm.

Tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp 5, Quốc hội khoá 15 diễn ra chiều nay 23/5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) nêu lên 2 ý kiến đóng góp.

Bà Lan thẳng thắn cho rằng danh mục các mặt hàng bình ổn giá hiện nay có nhiều loại chưa thuyết phục như: thịt lợn, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật của ngành nông nghiệp... Trong khi đó, đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy gạo, nước mắm, thực phẩm mới là thực phẩm thiết yếu.

Theo bà Lan, Bộ Tài chính không nên quy định cụ thể danh mục các mặt hằng bình ổn giá. Vị đại biểu TP.HCM đề nghị nên để danh mục này mở và giao cho Bộ Tài chính quyết định theo từng giai đoạn, từng trường hợp cần thiết. Nếu danh mục này cố định trong luật, sẽ rất khó sửa kịp thời đảm bảo phù hợp với yêu cầu thị trường, thực tế xã hội, "không thể cứ vài tháng, vài năm lại sửa luật để thêm các mặt hàng vào".

Đại biểu Quốc hội: Nhiều mặt hàng trong danh mục bình ổn giá chưa thuyết phục - 1

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) phát biểu chiều 23/5.

Đại biểu Phong Lan kiến nghị trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được trình lần này liệt kê dòng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá.

"Đây không phải là mặt hàng thiết yếu. Nên tập trung vào những mặt hàng nào thật sự cần cho toàn dân để danh mục hàng thiết yếu cần bình ổn giá thực sự có ý nghĩa với nhân dân", bà Lan nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng thực trạng hiện nay, một số trường hợp sau khi bệnh viện, cơ sở y tế mua bán thuốc, trang thiết bị y tế trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, cơ quan điều tra có kết luận về việc các cơ sở này tăng giá bán bất hợp lý. 

Vì vậy, đại biểu Phong Lan cho rằng dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá, "tăng bao nhiêu %", để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Bà Lan cho rằng, nguyên nhân nhiều bệnh viện rất sợ mua bán trang thiết bị y tế là do giá và mức tăng qua từng tầng lớp không được quy định cụ thể. Vị đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng nếu cố mua để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh thì sẽ bị thanh tra kết luận tăng giá không đúng, tư lợi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các lãnh đạo bệnh viện.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đưa ra ví dụ ở các nhà thuốc bệnh viện hiện nay, luật đều quy định cụ thể với những dòng thuốc A, thuốc B được tăng cụ thể ra sao.

"Nên chăng, đơn vị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) có thể học hỏi bài học kinh nghiệm này để áp dụng cho việc mua bán trang thiết bị y tế, tránh các bệnh viện bị oan", nữ đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn