Phát biểu góp ý cho Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhấn mạnh về đối tượng kê khai tài sản và bị kiểm soát tài sản thu nhập.
"Tôi đề nghị xem xét các đối tượng đã từng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, thậm chí khi nghỉ hưu. Thực tế, hiện nay, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa.
Tôi đề nghị phải xem xét đối với đối tượng này. Khi xem xét các vụ tham nhũng cần bổ sung những người ruột thịt như nêu trên là những đối tượng phải chứng minh nguồn gốc tài sản", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Bên cạnh đó, vị đại biểu này đưa ra một tình huống: "Có một ông bố nghèo ở quê nhưng có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần ông có mời luật sư và 2 con đến dặn rằng bố để cho mỗi con 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên hỏi tại sao bố nghèo mà lại có khoản tiền đó. Ông nói là làm gì có cây nào, chỉ đề phòng khi các con phát sinh tài sản khi kê khai nó có nguồn gốc rõ ràng".
Vì vậy, đại biểu Hạ đề nghị riêng đối tượng này cũng phải xem xét để quy định cho phù hợp.
Tôi đánh giá cao chất lượng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được trình lần này, đồng thời thống nhất đánh giá thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Ngoài ra, đại biểu Hạ cũng góp ý về công khai, minh bạch bản kê khai tài sản thu nhập của đối tượng phải kê khai Điều 41. Trong thực tế, khi công khai tài sản của cá nhân, đơn vị cần phải được quy định giống như công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định ở Điều 10, 11, 12, một số điều khoản phù hợp như giá niêm yết hoặc đưa lên trang điện tử...
"Trong thực tế, việc kiểm soát bản kê khai tài sản và thu nhập của đối tượng này thì các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập có thể không có đủ người, không đủ chuyên môn và khả năng để theo dõi và xác minh được hết tất cả", ông Hạ nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Hạ cho biết nếu dựa vào tính tự giác của đối tượng kê khai thì điều này cũng rất khó. Đó chính là nguyên nhân trong đánh giá việc phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế.
"Tôi cũng đề nghị công khai minh bạch tài sản để dân giám sát phát hiện là hiệu quả nhất. Do vậy, tôi đề xuất vấn đề công khai bản kê khai tài sản giống như quy định ở một số khoản của Điều 10, 11, 12", ông Hạ nói.
Về xử lý hành vi tham nhũng, ông Hạ cho rằng hành vi đưa hối lộ phải được xử lý nghiêm túc.
"Ở đây, khoản 3 của Điều 108 quy định "những người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hoặc tự giác nộp tài sản tham nhũng được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".
Tôi cho rằng đây là Luật Phòng, chống tham nhũng, cho nên ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn thì chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ tạo ra một môi trường không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Làm sao các đối tượng từ tư duy, nhận thức, hành động không còn tồn tại hai hành vi "tham và nhũng". Tôi đề nghị bỏ khoản 3 Điều 108 và bỏ khoản 1 Điều 110", đại biểu Hạ nhấn mạnh.
Video: Đại biểu Quốc hội đề xuất có `Dũng sĩ diệt tham nhũng`
Bình luận